Toàn cảnh buổi làm việc
Theo báo cáo đánh giá của huyện Đăk Tô, đến nay, 9/9 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đăk Tô duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Toàn huyện có 7/9 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và 2/9 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3. Bên cạnh đó, tất cả xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2, duy trì bền vững kết quả đã đạt được của các năm.
Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT được chú trọng thực hiện, nên số học sinh tốt nghiệp THCS chuyển sang học nghề ngày càng tăng. Theo đó, năm 2019 chiếm 7,7%, năm 2020 là 10,7%, năm 2022 là 26,4%.
Toàn huyện Đăk Tô hiện có 27/32 trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, cơ bản đảm bảo tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia mức độ 1 theo quy định. Theo lộ trình kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025, đến năm 2025, huyện Đăk Tô sẽ hoàn thành mục tiêu 100% số trường đạt chuẩn quốc gia.
Thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho người lao động, trong năm 2022, huyện Đăk Tô triển khai mở 13 lớp đào tạo nghề cho 390 lao động nông thôn. Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đăk Tô phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum đã tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm nhằm kết nối cho người lao động và học sinh THPT. Bên cạnh đó, thông qua nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm đã góp phần duy trì và mở rộng việc làm cho hơn 323 lao động. Năm 2023, UBND huyện Đăk Tô dự kiến giao 420 chỉ tiêu đào tạo cho 9 xã, thị trấn trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, đại diện các xã, thị trấn và một số trường học trên địa bàn huyện Đăk Tô nêu lên những bất cập, vướng mắc khi xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia như về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhân lực chưa đảm bảo; khó khăn trong việc duy trì tỷ lệ chuyên cần của học sinh ở bậc THCS tại một số trường vùng đồng bào DTTS; bất cập về triển khai phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT và đào tạo nghề cho lao động...
Trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị của địa phương, lãnh đạo Sở Giáo dục-Đào tạo, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp thu, đồng thời trao đổi, làm rõ thêm những nội dung các xã, thị trấn, trường học còn băn khoăn.
Đồng chí Y Ngọc kết luận tại buổi làm việc
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc đề nghị Sở Giáo dục-Đào tạo, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND huyện Đăk Tô tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát chất lượng giáo dục tại địa phương; quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và phân luồng học sinh sau THCS gắn với Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”. Chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng vùng đồng bào DTTS và tích cực đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập. Tăng cường rà soát, thực hiện lồng ghép các chương tình, chế độ chính sách đối với học sinh, giáo viên theo quy định, kêu gọi nguồn xã hội hóa hỗ trợ học sinh để duy trì tốt sĩ số, đảm bảo chuyên cần.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, các cấp, các ngành của huyện Đăk Tô phối hợp với các đơn vị trường học trên địa bàn tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ huynh học sinh đối với việc học tập của con em và vận động học sinh ra lớp. Đề nghị UBND huyện Đăk Tô bố trí kinh phí hỗ trợ người dạy từ nguồn vốn đối ứng ngân sách tỉnh của các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường bố trí phù hợp các nguồn lực đầu tư đối với các trường đăng ký đạt chuẩn quốc gia theo lộ trình.
Bên cạnh đó, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc đề nghị các cấp, các ngành của huyện Đăk Tô cần tổ chức rà soát, đánh giá chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Từ đó, xây dựng kế hoạch phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương và thị trường lao động; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm; chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng đào tạo nghề gắn với thực nghiệm, theo phương pháp cầm tay chỉ việc...