banner
Thứ 2, ngày 29 tháng 4 năm 2024
51 năm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (24/4/1972 – 24/4/2023)
18-4-2023

Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh đã làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của Mỹ - Ngụy ở Tây Nguyên, mở rộng vùng giải phóng và cùng với chiến thắng Quảng Trị, miền Đông Nam Bộ tạo ra một cục diện mới trên chiến trường miền Nam, góp phần đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, “Học thuyết Nich Xơn” ở Đông Dương, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari rút quân khỏi Việt Nam.

51 năm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (24/4/1972 – 24/4/2023)

CT

Tượng đài Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh tại trung tâm huyện Đăk Tô
Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng của khu vực. Trong đó, Kon Tum là địa đầu phía bắc Tây Nguyên, án ngữ ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia; nối liền tuyến hành lang Bắc - Nam và tuyến hành lang giữa Đông và Tây Trường Sơn. Với vị trí địa chính trị quan trọng này, đế quốc Mỹ và Ngụy quyền Sài Gòn đã tập trung mọi lực lượng để xây dựng vùng Bắc Kon Tum trở thành một khu vực phòng thủ kiên cố nhất ở phía Bắc Tây Nguyên mà trung tâm là cụm phòng ngự Đăk Tô - Tân Cảnh.
Từ năm 1957 đến năm 1972, Mỹ-Nguỵ đã cho xây dựng tại Đăk Tô - Tân Cảnh một hệ thống phòng ngự kiên cố nhất bao gồm căn cứ E42 ở Tân Cảnh và căn cứ Đăk Tô 2. Vì vậy, Đăk Tô - Tân Cảnh trở thành địa bàn diễn ra nhiều trận chiến quyết liệt giữa ta và địch. Trong đó, nhiều chiến dịch lớn được thực hiện tại đây như: Chiến dịch Đăk Tô I vào năm 1967, lực lượng vũ trang Tây Nguyên đã tiêu diệt bộ phận Sư đoàn bộ binh 4, Sư đoàn kị binh không vận số 01 và Lữ đoàn dù 173 của Mỹ tại điểm cao 875 đã góp phần cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968, Chiến dịch Đăk Tô II vào năm 1969 ta đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch góp phần đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ và kế hoạch “tìm diệt” của Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên và đặc biệt là chiến dịch Xuân hè năm 1972 ở Bắc Tây Nguyên mà trọng điểm là giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh.
Thực hiện chủ trương chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, các đơn vị của ta  đã quyết định mở chiến dịch Xuân - Hè 1972 nhằm "Tiêu diệt địch, giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh, có điều kiện thì giải phóng thị xã Kon Tum. Hướng phát triển có thể là hướng Plei Ku; có điều kiện thì mở rộng vùng giải phóng phía tây Plei Ku, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, hình thành căn cứ địa hoàn chỉnh nối liền với căn cứ địa miền Đông Nam Bộ". Đảng bộ Kon Tum đã huy động tối đa lực lượng bộ đội địa phương, du kích, dân công phối hợp cùng bộ đội chủ lực B3 Và Khu V tham gia chiến dịch. Về phía địch, tổng số lực lượng địch bố trị tại  khu vực này lên tới 28 tiểu đoàn bộ binh, 6 tiểu đoàn pháo binh, 4 tiểu đoàn thiết giáp, địch quyết tâm tập trung lực lượng tạo thành tuyến phòng ngự vững chắc, ngăn chặn quân giải phóng đánh chiếm vùng đất Tây Nguyên.
Với sự tập trung lực lượng và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, hai bên đã tạo ra một trận chiến gay go, quyết liệt và thắng lợi hoàn toàn nghiêng về quân giải phóng. Đúng 11 giờ trưa ngày 24-4-1972, lá cờ giải phóng do Tỉnh uỷ Kon Tum trao cho Trung đoàn 66 hôm làm lễ xuất quân được các chiến sỹ ta mang vào trận đánh, cắm tung bay trên đỉnh trung tâm căn cứ địch, báo tin giải phóng. Cụm phòng ngự Đăk Tô - Tân Cảnh, nơi được Mỹ - Ngụy mệnh danh là “vành đai thép” ở Bắc Tây Nguyên bị quân ta tiêu diệt gọn.
Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh cùng với chiến thắng Quảng Trị và miền Đông Nam Bộ là những đòn tiêu diệt chiến dịch có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng, nó đã tạo ra một cục diện mới trên chiến trường miền Nam, góp phần đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và “Học thuyết Nich Xơn” ở Đông Dương, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, rút quân khỏi Việt Nam. Với quyết tâm “Trường Sơn chuyển mình - Pô Kô dậy sóng, quét sạch quân thù, giải phóng Đăk Tô”, “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã huy động tối đa sức người, sức của cho chiến dịch này. Những "rẫy mì cách mạng", "rẫy mì giải phóng", "tiếng chày giã gạo" thâu đêm.... cung cấp lương thực cho tiền tuyến hay hình ảnh người mẹ "Tay cầm khẩu súng, phía trước địu con, sau lưng cõng đạn " của Nhân dân các dân tộc Kon Tum mãi mãi trở thành biểu tượng cao đẹp cho ý chí tất cả vì các mạng, vì độc lập dân tộc và khát vọng hòa bình.
Trong những năm qua được sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung ương và các bộ ngành, di tích Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh đã từng bước được bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích bằng các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Địa điểm Chiến thắng Đăk Tô Tân Cảnh trở thành địa chỉ về nguồn cho các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Với ý nghĩa lịch sử sâu sắc trong quá khứ cũng như hiện tại và tương lai, “Địa điểm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh được Thủ Tướng Chính phủ Công nhận là Di tích cấp quốc gia đặc biệt. Đây là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền Quân và Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum.
THANH HUYỀN - Trung tâm VHTTDL&TT huyện
Số lượt xem:882

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
 
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐĂK TÔ - TỈNH KON TUM
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Sa Phương - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện
Địa chỉ: Số 22 đường Trần Hưng Đạo, khối 3 thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3831.209, Fax: 0260.3831.209; Email: ubnddakto-kontum@chinhphu.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

802640 Tổng số người truy cập: 2068 Số người online:
TNC Phát triển: