Trong năm 2023, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đăk Tô đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm huy động nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Trong năm 2023, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đăk Tô được Ngân hàng cấp trên giao 87.817 triệu đồng, trong đó vốn giao theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 38.896 triệu đồng. Được sự qua tâm của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội nhận uỷ thác tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm huy động nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần quan trọng vào việc thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện.
Tính đến 16/12/2023, tổng dư nợ của đơn vị đạt 471.688 triệu đồng, tăng 86.499 triệu đồng so với năm 2022 với 6.877 hộ vay; nợ quá hạn 864 triệu đồng, chiếm 0,18% tổng dư nợ, giảm 35 triệu đồng so với năm 2022; doanh số cho vay được 150.454 triệu đồng, qua đó đã giúp được 2.703 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; có 538 công trình nước sạch và vệ sinh đạt chuẩn được xây dựng, sửa chữa và 609 lao động mới có việc làm ổn định từ vốn vay… Đơn vị đang tiếp tục theo dõi và cho vay bổ sung 5 mô hình sản xuất kinh doanh. Qua kết quả kiểm tra, giám sát hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay đã góp phần nâng cao chất lượng sử dụng vốn, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, nguồn vốn vay chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực, mô hình dự án chăn nuôi, đầu tư phân bón chăm sóc cây cao su, cây cà phê, gừng, dứa...góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập của người dân.
Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tăng cường thực hiện các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, nâng cao chất lượng hoạt động tại các điểm giao dịch xã, hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; thường xuyên kiện toàn và duy trì hoạt động của “Tổ đôn đốc thu nợ khó đòi cấp xã” để tăng cường hiệu quả trong công tác xử lý các khoản nợ quá hạn, đặc biệt có biện pháp thu hồi đối với những hộ có điều kiện trả nợ mà chây ỳ, không để nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước bị thất thoát, lãng phí. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thường xuyên phối hợp tổ chức tập huấn cho các đối tượng ngoại ngành trên địa bàn nhằm nâng cao kỹ năng, công tác triển khai tại cơ sở cũng như thực hiện tốt nghiệp vụ quản lý tín dụng chính sách xã hội, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, hạn chế rủi ro về vốn và tài sản của Ngân hàng Chính sách xã hội./.