Thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đăk Tô đã tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tăng cường khai thác nguồn vốn để tín chấp cho phụ nữ vay phát triển sản xuất, kinh doanh. Các nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH huyện đang phát huy được hiệu quả tích cực, tạo đòn bẩy cho hội viên phụ nữ, tích cực tham gia sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Tháng 6 năm 2022, Hội LHPN xã Tân Cảnh đã xây dựng mô hình “Tổ phụ nữ dân tộc thiểu số chăn nuôi bò sinh sản” gắn với việc hỗ trợ nguồn vốn của NHCSXH tại thôn Đăk Ri Peng 2, mỗi hộ được vay từ 50 - 100 triệu đồng mua con giống và xây dựng chuồng trại. Ban đầu với 04 thành viên, 15 con bò giống, chưa đầy năm nhưng đã tăng lên 07 thành viên, tổng đàn bò hiện nay là 32 con, 7/7 hộ bò đã sinh sản. Đây là mô hình tạo sinh kế, việc làm tại chỗ, là điều kiện thuận lợi góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững cho hội viên phụ nữ, đặc biệt là hội viên DTTS. Chị Nguyễn Thị Xoan – Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô cho biết:“Năm 2022, Hội LHPN xã có phối hợp với NHCSXH huyện hỗ trợ cho hội viên của làng Đăk Ri Peng 2 vay 500 triệu vốn giải quyết việc làm để chăn nuôi bò sinh sản. Đối với nguồn vốn vay thì hội cũng tổ chức tuyên truyền cho các chị em thông qua các buổi sinh hoạt chi tổ hội, cũng như các cuộc họp bình xét cho vay vốn của NHCS. Vận động các chị em khi vay vốn của NHCS thì mình cố gắng phát huy trong chăn nuôi bò hoặc trồng các loại cây đạt hiệu quả, thứ nhất là mình có tiền trả lãi cho ngân hàng, thứ 2 là trả gốc và đặc biệt là góp phần giúp cho gia đình phát triển kinh tế cũng như địa phương”.
Mô hình nuôi bò sinh sản tại thôn Đăk Ri Peng 2, xã Tân cảnh, huyện Đăk Tô
Trước đây, hội viên phụ nữ tại thôn Đăk Mơ Ham, xã Pô Kô, huyện Đăk Tô ngoài chăn nuôi nhỏ lẻ, trồng lúa, ngô, sắn và đi làm thuê thì người dân ở đây không còn khoản thu nhập nào đáng kể nên đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn. Từ tháng 7 năm 2022, khi huyện triển khai mô hình trồng dứa theo chuỗi liên kết tại các xã, thị trấn, trong đó Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và cam kết thu mua sản phẩm. Qua tuyên truyền, vận động các hộ nhận thấy mô hình trồng dứa cho hiệu quả kinh tế cao. Mạnh dạn thay đổi nếp, nghĩ cách làm 04 hộ gia đình hội viên phụ nữ thôn Đăk Mơ Ham đã vay 75 triệu đồng từ NHCSXH huyện để thành lập tổ hợp tác, cùng nhau liên kết trồng dứa với tổng diện tích2,2 ha. Đến nay, mô hình trồngdứa đang sinh trưởng và phát triển tốt đem lại hi vọng mới về phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho hội viên phụ nữ xã Pô Kô.Chị Y Chiêm – Hội viên phụ nữ, thôn Đăk Mơ Ham, xã Pô Kô, huyện Đăk Tô chia sẻ: “Từ khi được hộiPhụ nữ xã Pô Kô cho vay nguồn vốn hỗ trợ sản xuất bên ngân hàng chính sách xã hội huyện để tạo công ăn việc làm cho chị em. Tôi và 3 hộ gia đình khác đã thành lập tổ hợp tác trồng dứađể phát triển kinh tế cho mình và cũng như gia đình khác nữa”
Các hội viên chăm sóc dứa tại thôn Đăk Mơ Ham, xã Pô Kô
Hiện nay các cấp hội phụ nữ trong huyện đã phối hợp với NHCSXH giúp cho trên 2.700 hội viên phụ nữ vay phát triển kinh tế, với tổng dư nợ do NHCSXH huyện ủy thác quản lý hơn 159 tỷ đồng. Cùng với việc được hỗ trợ vốn vay ưu đãi, Hội LHPN huyện đã kết hợp tạo điều kiện cho chị em tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, phương pháp quản lý nguồn vốn... nhiều chị đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đầu tư chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh để nâng cao thu nhập mỗi năm. Chị Y Quyền – Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đăk Tô cho biết: “Việc xây dựng và nhân rộng các mô hình sinh kế cho hội viên phụ nữ gắn với hỗ trợ nguồn vốn chính sách là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ xây dựng và nhân rộng mô hình nhóm hộ gia đình, thành lập tổ hợp tác và hợp tác xã, nâng cao hiệu quả truển khai kinh tế cho hội viên phụ nữ đặc biệt là hội viên phụ nữ DTTS trên địa bàn huyện”.
Có thể khẳng định, việc sử dụng và quản lý tốt nguồn vốn vay của Hội Phụ nữ huyện Đăk Tô góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần thiết thực vào công tác giảm nghèo, tạo việc làm cho chị em phụ nữ và bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới./.