banner
Thứ 5, ngày 25 tháng 4 năm 2024
Nhức nhối nạn lừa đảo kiểu "con chị đang cấp cứu tại bệnh viện"
31-3-2023

Thời gian qua, chiêu lừa “con anh/chị đang cấp cứu tại bệnh viện” đã xuất hiện tại nhiều địa phương trên cả nước và bắt đầu có xu hướng lan rộng. Kể từ đầu tháng 3 đến nay, chỉ trong ít ngày, hàng loạt phụ huynh tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Long An đã trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo với chiêu trò tinh vi. Thủ đoạn đánh vào tâm lý của nhiều phụ huynh

Nhức nhối nạn lừa đảo kiểu "con chị đang cấp cứu tại bệnh viện"

CT


Nhằm mục đích  lợi dụng tâm lý hoang mang, lo lắng của phụ huynh trong tình huống nguy cấp, các đối tượng thường trình bày không rõ ràng, sử dụng nhiều ngôn từ tiêu cực kích động cảm xúc như nguy kịch, bị thương nặng, có thể không qua khỏi… để thông báo sự việc giả xảy ra đến với phụ huynh.
Kẻ xấu thường tự xưng là giáo viên thể dục, nhân viên y tế để gọi điện thông báo cho nạn nhân về việc con cháu họ bị té ngã khi hoạt động thể dục, bị tai nạn dẫn tới chấn thương sọ não đang nhập viện nên cần tiền mổ gấp,... Những “thầy cô giáo tự xưng” này còn thay phiên nhau gọi điện thúc giục phụ huynh, nếu không chuyển hoặc chậm nộp thì con của họ sẽ nguy hiểm đến tính mạng. 
Các đối tượng thậm chí cung cấp thông tin chính xác về tên, tuổi học sinh nhằm tạo sự tin tưởng với các bậc phụ huynh để họ yên tâm chuyển khoản. Điều này lý giả phần nào người dân có tâm lý dễ mất cảnh giác khi nghe kẻ lừa đảo nói chính xác các thông tin về bản thân, con cái dẫn đến không mảy may nghi ngờ và thực hiện theo yêu cầu từ phía đối tượng.
Ngoài ra, còn có thể có “kịch bản” các đối tượng tiếp tục gọi điện và tự xưng là lãnh đạo Khoa, bác sỹ bệnh viện thông báo tình trạng nguy kịch phải được tiến hành nhập viện mổ, điều trị gấp nhằm “củng cố niềm tin” từ phụ huynh. Từ đó các đối tượng có thể dễ dàng “thao túng tâm lý” và gây hoang mang cho nạn nhân để dễ dàng thực hiện các ý đồ xấu.
Khi nhận được thông báo con em mình gặp sự cố đang nằm trong bệnh viện, cần chuyển tiền để xử lý gấp, các bậc phụ huynh luôn mong muốn mọi việc được xử lý nhanh chóng nhất. Trong tình huống đó, sẽ có những người không kiểm tra kỹ dẫn đến việc chuyển tiền cho những kẻ lừa đảo.
Các đối tượng đang khai thác những hạn chế trong nhận thức đảm bảo an toàn thông tin của phụ huynh và các trường để thực hiện các “phi vụ” lừa đảo
Hiện nay, có nhiều cách dẫn đến lộ lọt thông tin của học sinh nhưng chủ yếu bắt nguồn từ việc thông tin về học sinh đang bị rao bán tràn lan và được các đối tượng thu thập, tổng hợp từ những trang mạng xã hội và hệ thống trực tuyến. Nếu như không có kỹ năng thì thông tin cá nhân của người dùng có thể bị lộ lọt rất nhiều.
Cụ thể như ngay từ việc các em học sinh đăng ký tài khoản mạng xã hội, tham gia chương trình học online... đều có thể dẫn đến lộ lọt thông tin, phụ huynh, học sinh tự đưa thông tin cá nhân lên mạng; Các cơ sở đào tạo ngoài trường học như trung tâm học tiếng Anh, trung tâm thể dục thể thao… không đảm bảo an toàn thông tin, bị hacker tấn công hay nhân viên tự ý bán dữ liệu; Trường học không đảm bảo an toàn thông tin - thậm chí đưa danh sách đầy đủ tên học sinh, mã số, thông tin liên lạc của phụ huynh… lên website của trường nên ai cũng có thể tải về, một số trường không đảm bảo về an ninh thông tin nên bị hacker truy cập, lấy cắp dữ liệu; Cuối cùng là do các công ty cung cấp dịch vụ sổ liên lạc điện tử, học bạ điện tử không đảm bảo an ninh, bị hacker tấn công hoặc nhân viên bán dữ liệu ra ngoài.

Việc mua bán dữ liệu về phụ huynh, học sinh diễn ra công khai trên không gia mạng


Thông tin thí sinh dự thi chứa trong tập Excel dung lượng vài chục MB, có đầy đủ họ tên, số điện thoại, email, địa chỉ và thậm chí cả số điện thoại của người thân. Việc mua dữ liệu công khai có thể là lý do khiến nhiều học sinh vừa biết trượt đại học đã nhận được hàng loạt cuộc gọi mời chào, thậm chí thông báo nhập học từ các trường chưa từng nghe tên.
Việc mua bán dữ liệu tràn lan trên không mạng không mới. Vấn đề này đã tồn tại nhiều năm, gây phiền hà cho người dân khi liên tục phải nghe các cuộc gọi mời chào dịch vụ. Tuy nhiên, sự việc trở nên nghiêm trọng hơn khi gần đây, những thông tin này bị sử dụng cho mục đích lừa đảo và có chiều hướng phức tạp, khó lường. Ngoài mua bán dữ liệu, một số trường học chưa ý thức được vấn đề bảo mật thông tin. Nhiều trường vô tư đăng dữ liệu chi tiết về học sinh, phụ huynh ngay trên website của trường

 

Danh sách học sinh của một lớp cụ thể là “miếng mồi béo bở” của tội phạm mạng

Người dân cần nâng cao cảnh giác đối với những cuộc gọi kiểu “tự xưng”

Đầu tiên, khi nhận được thông tin, người dân cần phải xác minh kỹ càng hơn. Thay vì nghe cuộc điện thoại và chuyển tiền ngay lập tức, các bậc phụ huynh có thể liên hệ với ban phụ huynh hoặc giáo viên chủ nhiệm hoặc tìm cách liên lạc người chịu trách nhiệm trực tiếp với con mình ở trường học như giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu để xác minh thông tin. 
Bên cạnh đó, một số dấu hiệu đáng ngờ về đối tượng lừa đảo mà các phụ huynh cần lưu ý như cách xưng hô khác thường ngày, không thể cung cấp thông tin cá nhân rõ ràng, thời gian gọi điện vào giờ nghỉ trưa, giữa đêm hay tan giờ làm việc… Trong trường hợp nghi vấn, đề nghị báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc liên hệ qua fanpage An Ninh Mạng Và Phòng Chống Tội Phạm Công Nghệ Cao Tỉnh Kon Tum (https://www.facebook.com/anninhmangkontum) để được hướng dẫn, xử lý kịp thời.
Việc làm đơn giản nhất nhằm phòng tránh việc bị các đối tượng lừa đảo nhưng không kém phần hiệu quả mà mỗi người dân đều làm được là hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên không gian mạng. Khi người dân càng chia sẻ nhiều thông tin cá nhân, càng tạo điều kiện cho kẻ xấu thực hiện hành vi trái pháp luật. Nếu bắt buộc phải cung cấp thông tin cá nhân, người dân cần sử dụng các cơ chế nhằm bảo mật thông tin.
Để lộ thông tin cá nhân trên không gian mạng là một trong những điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động phạm tội và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Do đó, mỗi cá nhân cần ý thức bảo mật thông tin liên quan đến bản thân và người thân của mình, đây là yếu tố quan trọng nhất trong việc phòng ngừa kẻ xấu lợi dụng sơ hở để khai thác thông tin cá nhân của người dân nhằm thực hiện các hành vi phạm pháp.

Nguồn: Công an huyện
Số lượt xem:897

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
 
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐĂK TÔ - TỈNH KON TUM
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Sa Phương - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện
Địa chỉ: Số 22 đường Trần Hưng Đạo, khối 3 thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3831.209, Fax: 0260.3831.209; Email: ubnddakto-kontum@chinhphu.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

796642 Tổng số người truy cập: 888 Số người online:
TNC Phát triển: