banner
Thứ 4, ngày 25 tháng 12 năm 2024
Giữ cho “Hồn núi” mãi ngân vang
6-2-2023
Ông A De điều chỉnh từng động tác đánh chiêng cho lớp trẻ
Ông A De, một trong những người lớn tuổi trong làng khẳng định chắc nịch: “ Cồng chiêng là một nhạc cụ cổ truyền có tính cộng đồng. Vì vậy cộng đồng còn, thì cồng chiêng phải còn. Từ bao đời nay, tiếng chiêng không thể thiếu trong đời sống của người Xơ Đăng. Nó gần như gắn liền với tất cả sự kiện của cả một đời người. Tiếng chiêng hòa lẫn trong tiếng khóc chào đời của em bé. Tiếng chiêng vui tươi, náo nhiệt trong ngày cưới. Tiếng chiêng buồn thương báo hiệu khi người ta vừa tắt thở…”
Chính vì lẽ đó, nên những lớp học cồng chiêng truyền dạy cho thế hệ trẻ luôn được duy trì, tổ chức trong cộng đồng thôn Tê Rông. Tham gia truyền dạy cồng chiêng là sự phối hợp của cả một tập thể, bao gồm già làng, Ban công tác Mặt trận thôn, đội trưởng, đội phó đội cồng chiêng của thôn. Mỗi tuần khoảng 3 – 4 buổi. Ban ngày mọi người lên rẫy làm lụng, tối đến lại tâp trung dưới nếp nhà rông để dạy dỗ, hướng dẫn lớp trẻ.
Thế hệ trẻ kế thừa văn hóa truyền thống cồng chiêng, xoang.
Em A Nớt, thôn Tê Rông chia sẻ: “Được già làng và bố mẹ động viên đi học lớp cồng chiêng, con đã đăng ký tham gia. Trong thời gian học tập, con ngày càng cảm thấy thích cồng chiêng hơn. Con yêu từng điệu múa, từng nhịp cồng, nhịp chiêng, yêu cả những ánh lửa bập bùng dưới nếp nhà rông trong mỗi buổi dạy. Con sẽ cố gắng học thật chăm chỉ để góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc mình”.
Theo ông A De, cồng chiêng là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn của con người Xơ Đăng. Cồng chiêng có thể diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống lao động và sinh hoạt của cộng đồng. Chính vì gắn bó mật thiết như vậy, con người Xơ Đăng tiếp thu và học tập cồng chiêng rất nhanh. Đối với những người có khiếu, chỉ cần tầm 2 tháng tiếp cận là có thể nắm rõ những kỹ thuật cơ bản. Họ có thể thực hành được cách đánh chiêng, cách phân nhịp điệu để tạo ra những âm thanh trầm bổng, phù hợp. Cứ thế, luyện đến khi tay đã dẻo, tai đã tinh, lúc đó có thể tự do học các bài chiêng truyền thống như: Máng nước, Mừng lá lúa, Mừng lúa mới…
Khác với học con chữ. Học cồng chiêng thông qua trực quan là chính. Người học đánh cồng chiêng trước hết phải biết cảm thụ được âm thanh của cồng chiêng, cách cầm chiêng, đánh chiêng và phân nhịp. Bởi vậy, có thể nói mỗi tiếng chiêng đều mang “dáng hình”, âm hưởng khác nhau. Âm nhạc của cồng chiêng thể hiện trình độ của người đánh trong việc áp dụng những kỹ năng đánh chiêng và kỹ năng chế tác. Từ việc chỉnh chiêng đến biên chế thành dàn nhạc, cách chơi, cách trình diễn,… Có lúc thì vang vọng linh thiêng, có lúc lại lại đẹp đẽ, hào hùng. Đó chính là cái hay của người biểu diễn để tạo nên những giai điệu tuyệt vời.
“Với người Xơ Đăng, cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng là tài sản vô giá. Âm nhạc cồng chiêng không những là một giá trị nghệ thuật đã từ lâu được khẳng định trong đời sống xã hội mà còn là kết tinh của hồn thiêng sông núi qua bao thế hệ. Từ thuở sơ khai, cồng chiêng được đánh lên để mừng lúa mới, xuống đồng; biểu hiện của tín ngưỡng, âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và với tiếng lòng người, sống mãi cùng với đất trời và con người Xơ Đăng” – ông A De tự hào
Song song với các lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ, thôn Tê Rông còn tổ chức dạy xoang, để xây dựng, tạo nguồn cho đội cồng chiêng của thôn mình. “Hàng tuần vào các buổi tối thứ 2, thứ 3, thứ 4, các cô trong đội múa xoang của thôn sẽ đến nhà rông dạy cho chúng em. Ban đầu em cảm thấy múa xoang rất khó, bởi các động tác đều yêu cầu phải thật dẻo, kỹ thuật cao. Đến nay, sau khoảng 3 tháng học tập, hầu như cả lớp đã có thể nắm rõ những động tác cơ bản, nhớ được nhiều bài múa hơn” – Y Sang, thôn Tê Rông vui vẻ trò chuyện.
Có lẽ nhờ sự chăm chút lan tỏa văn hóa cồng chiêng đến thế hệ trẻ trong thôn làng, nên đội cồng chiêng tại thôn Tê Rông luôn có sự kế thừa và duy trì đều đặn. Đội của thôn đã đạt nhiều thành tích nổi bật tại các chương trình biểu diễn cồng chiêng tại địa phương. Điển hình, gần đây nhất, vào tháng 10 vừa qua, đội biểu diễn cồng chiêng thôn Tê Rông đã đạt giải 3 Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS lần thứ I năm 2022 huyện Đăk Tô.
Ông Sa Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô thông tin, hiện nay trong 38 thôn, làng đồng bào DTTS trên toàn huyện có 54 bộ cồng chiêng. Trong đó có 15 bộ cồng chiêng tập thể và 39 bộ cồng chiêng của các cá nhân. Toàn huyện có 30 đội cồng chiêng quần chúng và 5 nghệ nhân ưu tú.
Trong những năm qua, UBND huyện Đăk Tô đã phối hợp với các ngành có liên quan trao 12 bộ cồng chiêng cho các xã Tân Cảnh, Kon Đào, Đăk Rơ Nga, Văn Lem, Đăk Trăm; chỉ đạo phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp với UBND các xã Văn Lem, Đăk Trăm, Pô Kô, Kon Đào và các nghệ nhân tại địa phương tổ chức mở 8 lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, xoang của dân tộc Xơ Đăng trên địa bàn huyện, thu hút gần 150 học viên tham gia. Theo đó, có nhiều người trong số học viên đã trở thành những hạt nhân nòng cốt, hình thành những đội cồng chiêng hoạt động tích cực ở các thôn, làng.
Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 về vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa đó là: “Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hóa còn thì Dân tộc còn...”
Có thể nhận thấy, đối với người dân tộc xơ Đăng nói riêng và các dân tộc Tây Nguyên nói chung, văn hóa cồng chiêng là sự nối kết giữa truyền thống và hiện đại, giữa quá khứ và tương lai. Bên ngọn lửa bập bùng của nhà rông, rượu cần khai ché, những âm điệu cồng chiêng và vòng xoang… tay nắm chặt tay, luôn là sự biểu tượng của tình đoàn kết sâu đậm giữa các dân tộc anh em…
Xuân Lâm – Trung tâm VHTTDL&TT huyện
Số lượt xem:1869

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
 
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐĂK TÔ - TỈNH KON TUM
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Sa Phương - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện
Địa chỉ: Số 22 đường Trần Hưng Đạo, khối 3 thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3831.209, Fax: 0260.3831.209; Email: ubnddakto-kontum@chinhphu.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1280406 Tổng số người truy cập: 1786 Số người online:
TNC Phát triển: