Trước khi tìm kiếm “con mồi”, các đối tượng sử dụng sim rác để tạo 01 tài khoản zalo giả mạo cán bộ, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng quân đội, đăng tải nhiều hình ảnh cá nhân, đơn vị của quân nhân giả mạo.
Giả mạo tài khoản zalo quân nhân để lừa đảo
Thủ đoạn của các đối tượng
Đầu tiên, đối tượng chủ động liên hệ với nạn nhân, giới thiệu là cán bộ đang công tác trong lực lượng quân đội, chuẩn bị dẫn đoàn đến địa phương để công tác nên liên hệ nhà hàng để đặt các suất ăn với số lượng lớn hoặc để làm từ thiện.
Để tạo niềm tin, sau khi kết thúc cuộc gọi, các đối tượng chủ động kết nối với nạn nhân bằng zalo giả mạo quân nhân. Sau đó, chủ động chuyển khoản trước một số tiền để đặt cọc. Tiếp theo, các đối tượng sẽ nhờ nạn nhân chuyển khoản mua cái gì đó vài triệu và hứa khi nào đến nhận đồ ăn đã đặt sẻ trả luôn tiền mượn và tiền đồ ăn. Nếu tin tưởng, không kiểm chứng thông tin nạn nhân chuyển tiền thì đối tượng liền khoá tài khoản, cắt liên lạc với nạn nhân và chiếm đoạt toàn bộ số tiền.
Đặt đồ ăn số lượng lớn để lừa đảo
Bằng thủ đoạn lừa đảo này, mới đây các đối tượng đã mạo danh Sư đoàn 10 đặt đơn hàng là 100 hộp cháo tại tiệm cháo Babuu (563 Duy Tân, thành phố Kon Tum, Kon Tum) để làm từ thiện cho bệnh viện tỉnh. May mắn, tiệm cháo Babuu cảnh giác nên chưa bị các đối tượng lừa mất tài sản.
Tỉnh táo để không bị mắc bẫy
Các đối tượng lợi dụng uy tín, sự tin yêu của người dân đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân để lừa đảo. Để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, người dân cần cảnh giác đối với những đối tượng tự xưng mình là quân nhân, cán bộ Công an. Nếu không quen biết, phải yêu cầu xem chứng minh thư Quân đội, giấy chứng minh Công an nhân dân, hoặc giấy giới thiệu về địa phương công tác. Mọi giao dịch chuyển tiền cần xác thực đầy đủ thông tin để tránh bị lừa đảo… Trường hợp nghi vấn các đối tượng mạo danh quân nhân, cán bộ Công an để hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.