Đảng Cộng sản Việt Nam là người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua 12 kỳ đại hội đại biểu toàn quốc. Mỗi kỳ đại hội là một mốc son chói lọi phản ánh sự trưởng thành của Đảng và cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những thắng lợi vĩ đại mà Nhân dân ta đã giành được trong hơn bảy thập kỷ qua đều bắt nguồn sâu xa từ việc Đảng ta nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, vạch ra đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế thời đại.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (tháng 4-2001)
Bước sang thế kỷ XXI, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, cách mạng nước ta tiếp tục thu được những thành tựu cơ bản trên nhiều phương diện, tạo thế và lực để thúc đẩy công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu, song cũng gặp nhiều thách thức to lớn.
Tình hình trong nước và quốc tế tiếp tục có những biến đổi sâu sắc, khó lường, tác động mạnh mẽ vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Khả năng duy trì hòa bình, ổn định trên thế giới và khu vực cho phép chúng ta tập trung phát triển kinh tế, song phải đề cao cảnh giác, chủ động đối phó với mọi tình huống phức tạp nảy sinh. Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học tiếp tục phát triển như vũ bão, trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế tri thức, làm chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế và biến đổi sâu sắc mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã trở thành một xu thế khách quan, đặt ra cho Việt Nam cơ hội mở rộng hợp tác với các nước, vùng lãnh thổ trong khu vực và thế giới, đồng thời phải đấu tranh để bảo vệ lợi ích của mình, hạn chế những tác động tiêu cực của nó đối với đất nước. Bốn nguy cơ mà Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII vạch ra vẫn tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp. Cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ trong khu vực đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế nước ta. Nền kinh tế của đất nước phát triển chưa vững chắc, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp. Cơ chế, chính sách không đồng bộ và chưa tạo động lực mạnh mẽ để phát triển...
Trong bối cảnh đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã được triệu tập, họp từ ngày 19 đến ngày 24-4-2001 tại Thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của 1.168 đại biểu đại diện cho 2.479.717 đảng viên trong toàn Đảng và 34 đoàn đại biểu của các đảng và tổ chức quốc tế.
Đại hội tập trung thảo luận, đánh giá chặng đường hơn 70 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng, tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII, 15 năm đổi mới, 10 năm thực hiện Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội (1991 - 2000), rút ra bài học của công cuộc đổi mới.
Đại hội đã thông qua Báo cáo chính trị, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010, Phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2005 và Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi).
Đại hội đi sâu phân tích những đặc điểm của thế kỷ XX, một thế kỷ ghi đậm trong lịch sử loài người những dấu ấn sâu sắc và dự báo tình hình thế giới những thập kỷ đầu thế kỷ XXI. Đại hội khẳng định những thắng lợi to lớn mà nhân dân ta đã giành được trong hơn 70 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, đưa nước ta "từ một nước thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Đất nước ta từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu đã bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa". Quyết tâm xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh nhất định nhân dân ta sẽ xây dựng thành công một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm (1996 - 2000), 10 năm thực hiện Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội (1991 - 2000), những thành tựu to lớn cũng như những yếu kém, khuyết điểm của 15 năm đổi mới 1986 - 2000, Đại hội xác định "thế và lực của đất nước ta lớn mạnh lên nhiều". Mặc dù một số chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 1996 - 2000 không đạt, một số nhiệm vụ do Nghị quyết Đại hội VIII đề ra thực hiện chưa tốt, nhưng 10 năm thực hiện Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội (1991 - 2000) đã đạt những thành tựu to lớn và rất quan trọng, tạo tiền đề đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh hơn. Mười lăm năm đổi mới (1986 - 2000) đã cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quý báu. Những bài học đổi mới mà các Đại hội VI, VII, VIII đúc rút vẫn còn giá trị, nhất là những bài học chủ yếu sau đây:
Một là, trong quá trình đổi mới phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Hai là, đổi mới phải dựa vào dân, vì lợi ích của dân, phù hợp với thực tiễn, luôn luôn sáng tạo.
Ba là, đổi mới phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Bốn là, đường lối đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới.
Đại hội chỉ rõ, nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ mới là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và nhân dân ta. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là "sự phát triển quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tức là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt về khoa học và công nghệ, để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại. Xây dựng chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tạo ra sự biến đổi về chất của xã hội trên tất cả các lĩnh vực là sự nghiệp rất khó khăn, phức tạp, cho nên phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều chặng đường, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội có tính chất quá độ. Trong các lĩnh vực của đời sống xã hội diễn ra sự đan xen và đấu tranh giữa cái mới và cái cũ". Phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức, do Đảng lãnh đạo, kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế, của toàn xã hội. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân gắn liền với việc phát huy dân chủ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở tất cả các cấp, các ngành, thu hút trí lực của toàn dân vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội. Phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội, nâng cao dân trí, xây dựng và phát triển nguồn lực con người.
Nội dung cơ bản của đường lối phát triển kinh tế trong thời kỳ mới là: "Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp; ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất, đồng thời xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững; tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hóa, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh".
Phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ trung tâm; thực hiện nhất quán chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần; tiếp tục tạo lập đồng bộ các yếu tố thị trường, đổi mới và nâng cao hiệu lực quản lý kinh tế của Nhà nước; giải quyết tốt các vấn đề xã hội.
Gắn liền với toàn bộ công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường quốc phòng và an ninh, cần phải ra sức chăm lo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngang tầm nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Đó là nhiệm vụ then chốt, là cội nguồn thắng lợi của sự nghiệp cách mạng nước ta.
Trên cơ sở đánh giá tình hình đất nước và bối cảnh quốc tế, Đại hội xác định mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 là đưa nước ta "ra khỏi tình trạng kém phát triển; nâng cao rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nguồn lực con người, năng lực khoa học và công nghệ, kết cấu hạ tầng, tiềm lực kinh tế, quốc phòng, an ninh được tăng cường; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hình thành về cơ bản; vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao". Mục tiêu cụ thể của Chiến lược là đưa GDP năm 2010 tăng ít nhất gấp đôi năm 2000; nâng lên đáng kể chỉ số phát triển con người của nước ta; năng lực nội sinh về khoa học và công nghệ đủ khả năng ứng dụng các công nghệ hiện đại, tiếp cận trình độ thế giới và tự phát triển trên một số lĩnh vực; kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và có bước đi trước; vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước được tăng cường, chi phối các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hình thành về cơ bản và vận hành thông suốt, có hiệu quả; chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn 50%. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, trong kế hoạch 5 năm 2001 - 2005, một bước rất quan trọng của Chiến lược, phải ra sức "tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; ổn định và cải thiện đời sống nhân dân. Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nâng cao rõ rệt hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Mở rộng kinh tế đối ngoại. Tạo chuyển biến mạnh về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát huy nhân tố con người. Tạo nhiều việc làm; cơ bản xóa đói, giảm số hộ nghèo; đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Tiếp tục tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; hình thành một bước quan trọng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia".
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa IX gồm 150 ủy viên. Ban Chấp hành Trung ương họp Hội nghị lần thứ nhất đã bầu Bộ Chính trị gồm 15 ủy viên. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đại hội IX của Đảng là đại hội của trí tuệ, dân chủ, đoàn kết, đổi mới, thể hiện ý chí kiên cường và niềm hy vọng lớn lao của toàn Đảng, toàn dân trong thời điểm trọng đại của dân tộc, mở đường cho đất nước ta nắm lấy cơ hội, vượt qua thách thức tiến vào thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới, thực hiện mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Còn tiếp...