Nhằm bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng người dân tộc thiểu số. Sáng ngày 13/9, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện tổ chức mở lớp truyền dạy về kỹ năng, kỹ thuật diễn tấu cồng chiêng, xoang và các bài chiêng truyền thống trong vùng người dân tộc Xê Đăng sinh sống. Dự có đồng chí Nguyễn Nhận Quang - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện; đồng chí Huỳnh Hữu Phước - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn.
Quang cảnh lễ khai mạc
Tham gia lớp học có 30 học viên là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Trong thời gian từ ngày 13/9 - 29/9, nghệ nhân A Huyền (trú tại khối 2, thị trấn Đăk Tô) sẽ truyền dạy những bài diễn tấu cồng chiêng, các nhịp điệu, kỹ thuật và phương pháp sử dụng cồng chiêng, xoang và các bài chiêng truyền thống của người đồng bào dân tộc Xơ Đăng nhằm tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng trước những tác động của đời sống xã hội hiện đại; khôi phục và giữ gìn các lễ hội truyền thống liên quan đến văn hóa cồng chiêng để tạo môi trường diễn xướng cho cồng chiêng và sinh hoạt văn hóa cồng chiêng.
Nghệ nhân A Huyền cho biết: “ Trên địa bàn huyện Đăk Tô nói riêng và thành phố Kon Tum nói chung, vấn đề kỹ thuật, kỹ năng diễn tấu công chiêng hiên nay đang mai một dần, tôi muốn các thế hệ trẻ sau này, cùng nhau giữ gìn bản sắc quê hương ngày càng phát triển”.
Nghệ nhân A Huyền đang truyền dạy về kỹ năng, kỹ thuật diễn tấu cồng chiêng
Thông qua các lớp truyền dạy cồng, chiêng xoang giúp học viên kế thừa, bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng, đồng thời khơi dậy niềm đam mê diễn tấu cồng chiêng, nâng cao ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ./.