Thực hiện Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Đăk Tô đã phối hợp với các ngành chức năng và các xã, thị trấn trên toàn huyện làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách mới này đến với các đối tượng thụ hưởng.
Bà Hoàng Thị Thu Trâm - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Đăk Tô cho biết: “Để tạo điều kiện cho những người chấp hành xong án phạt tù xóa bỏ mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng, tìm kiếm việc làm ổn định, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện đã phối hợp với Công an huyện Đăk Tô tích cực triển khai chương trình cho vay vốn đối với những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Nguồn vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi đã giúp người từng lầm lỡ trở về có việc làm, thu nhập ổn định, mang lại hiệu quả tốt trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng”.
Theo đó, những người được vay vốn kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa là 5 năm. Phương thức cho vay thông qua hộ gia đình. Đại diện hộ gia đình của người chấp hành xong án phạt tù là người đứng tên vay vốn và giao dịch với NHCSXH.
Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ, hiện tại là 6,6%/năm, tức 0,55%/tháng, mức cho vay tối đa 100 triệu đồng/hộ, thời hạn cho vay tối đa 120 tháng kể từ ngày giải ngân. Đến nay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đăk Tô đã giải ngân cho 04 hộ vay vốn với tổng số tiền 370 triệu đồng.
Ngân hàng CSXH huyện thực hiện thủ tục giải ngân vốn cho khách hàng vay
Trong thời gian tới, để chính sách nhân văn này tiếp tục phát huy hiệu quả, NHCSXH huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với Công an huyện, các cơ quan ban ngành, các tổ chức chính trị nhận ủy thác, UBND các xã rà soát đối tượng, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, tổng hợp nhu cầu vay vốn. Triển khai thực hiện tốt các quy trình, thủ tục cho vay, đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Đồng thời định hướng, hỗ trợ để người chấp hành xong án phạt tù chấp hành đúng cam kết khi vay vốn.
Có thể nhận thấy, chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị và xã hội, tạo được sự đồng thuận cao của các các cấp, ngành, toàn xã hội và phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân. Qua đó, góp phần ngăn ngừa và hạn chế tình trạng tái phạm tội để giữ vững tình hình trật tự, an toàn xã hội đem lại cuộc sống bình yên trên địa bàn./.