Là người đầu tiên trồng thử nghiệm loại cây này trên địa bàn xã Diên Bình, vợ chồng anh Lương Ngọc Vũ, Giáp Thị Kim Lan ở thôn 1 - xã Diên Bình đã tự tìm hiểu thông tin và trồng thành công cây măng tây.
Đó là vợ chồng anh Lương Ngọc Vũ, Giáp Thị Kim Lan ở thôn 1 - xã Diên Bình, huyện Đăk Tô. Anh cho biết: hàng ngày mở facebook tìm hiểu thông tin, thấy mô hình “Trồng măng tây xanh” ở các nơi rất hiệu quả, cho thu nhập cao. Anh nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương mình cũng tương đồng, có thể trồng măng tây. Từ đó, anh thường xuyên theo dõi, tự nghiên cứu học hỏi kiến thức trồng và chăm sóc măng tây qua Facebook, sau khi nắm vững các kiến thức cơ bản, anh tiến hành đặt mua giống, chuẩn bị đất trồng.
Là người đầu tiên trồng thử nghiệm loại cây này trên địa bàn xã Diên Bình, với những khó khăn ban đầu như hạt giống khá đắt và chưa biết địa chỉ cung cấp uy tín nhưng anh vẫn quyết tâm thực hiện ý định của mình. Sau khi đặt mua 01 kg hạt giống với giá 17.000.000 đồng để trồng trên 0,5 ha, anh rất cẩn thận, tỷ mỉ trong từng khâu từ xử lý hạt giống đến ươm bầu gieo hạt. Sau 1,5 tháng hạt nẩy mầm đảm bảo yêu cầu đưa ra cấy trên đất. Tháng 5/2020, anh tiến hành cày đất, khử trùng đất bằng vôi, đầu tư hệ thống tưới có thể tận dụng được máy bơm nước tưới cà phê để giảm chi phí ban đầu, hàng tháng bón phân vi sinh, phân chuồng ủ hoai mục, công chăm sóc, làm cỏ, tưới tiêu …v.v.
Với quyết tâm cao, cần cù, chịu khó học hỏi, sau 10 tháng, diện tích măng tây đã cho thu hoạch, sản lượng tăng lên từng ngày, chất lượng mẫu mã sản phẩm vượt cả mong đợi. Hiện nay, với 0,5 ha giai đoạn đang thu bói, mỗi ngày bình quân anh thu từ 10 kg - 15 kg, giá bán trên thị trường hiện nay từ 60.000 đồng - 80.000 đồng/kg, một năm thu hoạch từ 8 - 10 tháng; còn lại 2 - 3 tháng để chăm sóc dưỡng cây. Vào giai đoạn kinh doanh, sản lượng sẽ tăng lên 50 - 75 kg/ngày, thời gian thu hoạch từ 10 - 20 năm nếu được chăm sóc đảm bảo kỹ thuật. Sau khi thu hoạch, vợ chồng chị đăng bán online trên facebook, zalo, rồi từ đó có nhiều khách hàng là thương lái trong ngoài huyện đặt định kỳ, có hôm không đủ măng để giao cho khách.
Anh Vũ và chị Lan rất phấn khởi, chia sẻ: "Với chi phí đầu tư và giá bán như hiện nay, 0,5 ha măng tây vào giai đoạn thu chính, mỗi năm có thể thu lợi nhuận ước đạt trên 170 triệu đồng/năm. Nếu hoàn thiện các thủ tục chứng nhận An toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký thương hiệu, bao bì, nhãn mác… sản phẩm sẽ bán với giá cao hơn, có thể được bày bán ở các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, tạo được kênh tiêu thụ bền vững cho sản phẩm. Đó là hướng sản xuất cho sản phẩm sạch, chất lượng đang hướng tới sau giai đoạn thử nghiệm".
Anh chia sẻ thêm: Trồng măng tây không khó, tuy nhiên cần trồng măng tây tại nơi có đất thoát nước tốt, đất tơi xốp, đất thịt nhẹ hoặc đất pha cát, tuyệt đối không trồng nơi ngập nước, tưới tiêu khó, măng tây không chịu được ngập úng, và đặc biết hạn chế tưới đậm cho măng tây sẽ phát sinh nấm, sâu bệnh hại tấn công. Thời gian đến, anh mong muốn được các cấp chính quyền địa phương hỗ trợ anh và các gia đình có nhu cầu chuyển đổi diện tích hoa màu sang các loại cây có giá trị kinh tế cao như măng tây; hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cần thiết để phát triển sản phẩm theo hướng chế biến hàng hóa.
Chị Giáp Thị Kim Lan - vợ anh Vũ cho biết thêm: Măng tây là loại rau có hàm lượng dinh dưỡng cao, thông qua facebook chị tìm hiểu được, măng tây có thể chế biến thành các sản phẩm như trà, bột măng tây sấy lạnh …v.v. thuận tiện cho nhiều đối tượng sử dụng. Nếu cây măng tây được các cấp chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ phát triển, thì đây sẽ là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, có thể chế biến và thương mại hóa đa dạng các sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân .
Chị Lan đang thu hoạch măng