banner
Thứ 7, ngày 4 tháng 1 năm 2025
Cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo thông qua mạng xã hội
12-1-2021
Ngày nay, trong sự phát triển rực rỡ của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư, mạng xã hội đã và đang cung cấp cho chúng ta một khối lượng thông tin hữu ích, kết nối với bạn bè mọi lúc, mọi nơi và giúp việc liên lạc trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển này, các hành vi lừa đảo cũng xuất hiện với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp, gây thiệt hại không nhỏ cho một bộ phận người dùng mạng xã hội.


Thời gian gần đây, qua công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố, Công an huyện Đăk Tô nhận thấy nổi lên các thủ đoạn lừa đảo phổ biến như:
- Mạo danh cơ quan thực thi pháp luật: Các đối tượng lừa đảo thông qua những thông tin của nạn nhân chia sẻ trên mạng xã hội đã giả mạo thành cán bộ Công an, Viện kiểm sát… để gọi điện thoại yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản chúng cung cấp để điều tra, xác minh đang xảy ra ngày càng nhiều, số tiền thiệt hại thường rất lớn. Theo đó, đối tượng vẫn sử dụng chiêu lừa cũ, thông báo nạn nhân liên quan đến đường dây tội phạm (ma túy, rửa tiền, buôn lậu...), chúng dẫn dụ nạn nhân muốn chứng minh mình không liên quan đến vụ án, phải chuyển tiền đến tài khoản do chúng cung cấp qua Internet Banking để điều tra, xác minh, nếu không sẽ bị bắt giam.
Trong khi đó, khi có yêu cầu làm việc với công dân các cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án đều gửi giấy mời và làm việc trực tiếp, vì vậy người dân tuyệt đối không nghe theo các yêu cầu qua điện thoại hay các ứng dụng mạng xã hội.
- Đánh cắp tài khoản mạng xã hội để lừa đảo: Các đối tượng lừa đảo bằng cách ứng dụng công nghệ, sau khi chiếm được tài khoản mạng xã hội của một người nào đó, sẽ dùng tài khoản đó để nhắn tin đến bạn bè, người thân của người đó để nhờ mua card điện thoại. Nhiều người vì tin đó là bạn bè, người thân mình thật nên đã mua card gửi cho các tài khoản này và đã bị mất rất nhiều tiền.
- Ứng dụng lừa đảo: Sau khi nạn nhân tin tưởng và sử dụng các ứng dụng lừa đảo, các thông tin cá nhân sẽ bị đánh cắp, bao gồm cả những thông tin nhạy cảm như thẻ tín dụng, hình ảnh cá nhân,... và có thể còn bị chiếm tài khoản mạng xã hội để thực hiện các hành vi lừa đảo khác.
- Tặng quà từ nước ngoài: Đánh vào tâm lý sính ngoại của nạn nhân, đối tượng lừa đảo sẽ giả mạo người nước ngoài, sau khi nói chuyện một thời gian sẽ đề nghị được tặng nạn nhân một món quà, nhưng để nhận được món quà đó thì nạn nhân phải chi một khoản tiền để thanh toán phí hải quan và phí vận chuyển. Món quà thường được nói là có giá trị lớn để mức phí hải quan cao, khiến nạn nhân không nghi ngờ mà chuyển một số tiền lớn cho đối tượng lừa đảo. Sau khi được chuyển tiền thì các đối tượng sẽ chặn tài khoản nạn nhân và tiếp tục lừa đảo đối tượng khác.
- Giả giao dịch mua bán: Nhằm mục đích lừa nạn nhân điền thông tin để nhận tiền qua đường link giả do đối tượng cung cấp. Theo đó, kẻ gian có thể giả làm người mua hoặc bán hàng hay gửi tin nhắn thông báo trúng thưởng, yêu cầu nạn nhân đăng nhập vào đường link giả mạo mà chúng gửi tới. Khi nạn nhân truy cập vào đường link giả này, nhập thông tin đăng nhập, mật khẩu đăng nhập và mã xác thực tài khoản ngân hàng của mình, tội phạm lừa đảo sẽ nhanh chóng chiếm được toàn bộ thông tin của nạn nhân và tự cài đặt Smart OTP để giao dịch chuyển tiền của nạn nhân sang tài khoản của chúng. Thậm chí đối tượng còn thông qua website giả mạo website chính chủ của ngân hàng trong nước hoặc tạo các website nhận kiều hối (thường là PayPal), làm cho khách hàng tưởng rằng tài khoản của mình vừa nhận khoản tiền chuyển từ nước ngoài về. Sau đó, chúng hướng dẫn khách hàng quy đổi ngoại tệ qua website giả mạo, lừa lấy tiền từ các nạn nhân bán hàng online. Phổ biến nhất là đối tượng lừa đảo mở ra các trang bán hàng online trên mạng xã hội, yêu cầu khách mua hàng ứng trước một khoản tiền trước khi giao hàng. Những khách hàng nhẹ dạ, cả tin sau khi ứng tiền cho các đối tượng lừa đảo thì sẽ bị chặn tài khoản và không thể nào lấy lại tiền.


 
Trước hàng loạt phương thức lừa đảo thông qua mạng xã hội nêu trên, Công an huyện Đăk Tô khuyến cáo, để tránh trở thành nạn nhân, người dân cần chú ý các vấn đề sau:
- Trước khi chuyển tiền cho người thân hoặc bạn bè, cần gọi điện cho người đó trước nhằm xác nhận nội dung chuyển tiền, phòng trường hợp đối tượng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội rồi giả mạo người thân, bạn bè để lừa đảo.
- Không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã PIN Internet Banking và mã OTP cho người khác, ngay cả khi nhận được yêu cầu từ người tự xưng là nhân viên ngân hàng. Bởi vì mã OTP chỉ sử dụng cho mục đích xác nhận khi thanh toán, nếu người dân nhận được yêu cầu đăng nhập để nhận tiền mà đòi hỏi phải cung cấp mã OTP thì đều là giả mạo. Mọi thắc mắc, nghi ngờ về thông tin tài khoản cá nhân của mình, người dân cần trực tiếp đến các ngân hàng để được kiểm tra, giải đáp.
- Không được gõ tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã PIN Internet Banking, mã OTP, số tài khoản... của mình vào trang web hoặc liên kết khác với trang web chính thống của ngân hàng đã và đang sử dụng. Mặt khác, khi tài khoản của người dân nhận tiền từ nước ngoài gửi về, chủ tài khoản phải trực tiếp đến ngân hàng để nhận, chứ không nhận tiền qua việc truy cập vào bất kỳ đường link hay trang web nào khác.


Khi có bất kỳ nghi vấn nào liên quan đến hành vi lừa đảo thông qua mạng xã hội, người dân cần báo ngay với cơ quan Công an gần nhất hoặc thông báo cho Trực ban Công an huyện Đăk Tô qua số điện thoại 02603.831.252 để được hỗ trợ kịp thời./.
ĐỨC ĐẠT – Công an huyện
Số lượt xem:863

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
 
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐĂK TÔ - TỈNH KON TUM
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Sa Phương - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện
Địa chỉ: Số 22 đường Trần Hưng Đạo, khối 3 thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3831.209, Fax: 0260.3831.209; Email: ubnddakto-kontum@chinhphu.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1295186 Tổng số người truy cập: 2064 Số người online:
TNC Phát triển: