banner
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Pô Kô: Các mô hình phát triển kinh tế phát huy hiệu quả
6-11-2024
Xây dựng mô hình phát triển kinh tế là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để giúp đồng bào DTTS xã Pô Kô, huyện Đăk Tô từng bước vươn lên giảm nghèo bền vững.
Chiều xuống, làng quê xã Pô Kô vẫn ngời lên một màu xanh bất tận, bởi ở đó, sức sống ngàn đời của đồng bào các DTTS luôn gắn chặt với dòng sông Pô Kô hiền hoà, mát mẻ. Ông A Hiêu-Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã đưa tôi đi thăm một số mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn, ở đâu tôi cũng thấy người dân đều lên rẫy chăm sóc các loại cây trồng, để chờ ngày bội thu nông sản.
“Trong những năm qua, Đảng ủy xã thường xuyên đưa nội dung xây dựng các mô hình phát triển kinh tế vào nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào các mô hình liên kết sản xuất, các tổ hợp tác sản xuất, đồng thời chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ cho người dân tham gia các mô hình phát triển kinh tế đạt hiệu quả. Nhờ đó, đã có một số mô hình đầu tư có hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân”-ông A Hiêu tâm sự.
Cụ thể, đến nay toàn xã đã có các mô hình triển khai có hiệu quả như: nuôi cá lồng bè tại thôn Đăk Mơ Ham và thôn Kon Tu Dốp 2 liên kết với Công ty TNHH MTV Tá Tiến; chăn nuôi dê tại thôn Kon Tu Dốp 1 kết hợp chất thải từ chăn nuôi được ủ để làm phân bón hữu cơ cho cây ăn trái và cây cà phê; trồng dứa liên kết với Công ty Đồng Giao; trồng cây mắc ca tại 5 thôn với 76,3 ha; trồng cỏ nuôi bò sinh sản cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật không có sinh kế ổn định...
Sau 15 phút đi thực tế về với các thôn, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã A Hiêu đưa tôi đến vườn cà phê có trồng xen cây mắc ca của anh A Xuyên ở thôn Kon Tu Dốp 2. Đứng bên vườn cà phê trĩu quả, A Xuyên kể, trước đây anh có 3 ha đất trồng cây mì. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao, anh chuyển qua trồng 2 ha cây cà phê. Qua 5 năm chăm sóc, vụ thu hoạch năm nay anh dự thu khoảng 25 tấn cà phê tươi và sẽ thu về 500 triệu đồng. Năm ngoái, được sự vận động của các cấp chính quyền, anh trồng xen 278 cây mắc ca vào giữa vườn cà phê, đến nay cây sinh trưởng và phát triển tốt. Ngoài ra, anh còn trồng 1 ha cây mì, 2 sào ruộng lúa 2 vụ, nuôi 2 con bò sinh sản, nên gia đình anh đã thoát nghèo từ lâu.
Cũng tại thôn Kon Tu Dốp 2, tôi gặp anh A Quỹ tham gia mô hình nuôi cá rất có hiệu quả. Anh A Quỹ cho hay, gia đình anh có 2 sào ao cá. Trong 3 năm nay, anh liên kết với Công ty TNHH MTV Tá Tiến nuôi các loại cá như: trắm, diêu hồng, rô phi, trê…Mỗi năm, anh thu trên 12 tấn cá các loại, với giá bình quân 50 ngàn đồng/1kg, anh bán trên 600 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, anh lãi ròng 300 triệu đồng. Từ mô hình nuôi cá có hiệu quả của anh, trong thôn có thêm 10 hộ gia đình học tập nuôi theo. Anh tạo điều kiện cho bà con mượn vốn mua giống cá không lấy lãi, nên ai cũng quý mến. Ngoài ra, anh trồng 2 ha cây cà phê đã thu 4 năm, mỗi năm thu 25 tấn cà phê tươi, nên thu nhập của gia đình anh thuộc vào loại khá giả.
Còn anh A Khẩm ở thôn Kon Tu Dốp 1 cho hay, trong thôn có 4 hộ tham gia mô hình nuôi dê sinh sản, đến nay đều phát triển tốt. Riêng anh, năm ngoái anh đầu tư 6 triệu đồng mua 8 con dê nhỏ để nuôi. Hàng ngày, anh đưa đàn dê lên rẫy ăn lá rừng, còn anh làm rẫy, chiều tối anh đưa dê về nhốt chuồng và đem theo một số lá cây để dê ăn tối. Sau gần 1 năm chăm sóc, đến nay đàn dê đẻ được 2 con, các con dê còn lại đều khoẻ và nặng bình quân 20kg/con. Mong muốn của anh phát triển đàn dê lên 20 con là dừng lại, lúc đó anh chuyển qua nuôi dê sinh sản để bán dê giống để tích luỹ nguồn vốn cho gia đình.
Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã A Hiêu, cho biết hiện nay kỹ thuật nuôi cá của bà con chưa cao và giá thức ăn cho cá quá cao. Trong quá trình nuôi cá vẫn còn tình trạng một số cá chết, giá bán cho các đơn vị liên kết bao tiêu sản phẩm thu mua thấp, đôi lúc từ chối không mua cá nhỏ, cá có màu sắc không đồng đều, nên ảnh hưởng đến lợi nhuận của bà con. Đối với mô hình trồng cây dứa cũng vậy, kinh nghiệm và kỹ thuật trồng dứa của tổ hợp tác chưa cao; chi phí đầu vào và công chăm sóc cây dứa cao, nên chi phí đầu tư lớn. Khi có sản phẩm, các đơn vị thu mua dứa với giá thấp, bởi họ đánh giá dứa không đạt trọng lượng nên không mua. Mô hình chăn nuôi bò hiện có một số hộ dân chưa bổ sung thêm các thức ăn tinh bột, mà chủ yếu cho ăn cỏ và các phụ phẩm nông nghiệp khác, nên trọng lượng của bò chưa đạt theo tiêu chuẩn. Riêng mô hình trồng cây mắc ca đến nay chưa có sản phẩm, nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư phân bón....

Vì vậy, trong thời gian tới, Đảng uỷ xã tiếp tục lãnh đạo cả hệ thống chính trị tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với đặc điểm của địa phương và năng lực, nhu cầu tiếp nhận của từng nhóm đối tượng, trong đó ưu tiên hình thức tuyên truyền có sự tham gia của cộng đồng dân cư. Qua đó, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm huy động tối đa nguồn lực trong dân, kết hợp lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án của nhà nước và các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện. Trong đó, chú trọng việc thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, phát huy vai trò chủ thể của người dân, tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng, đảm bảo quy định và công khai, minh bạch. Có như vậy, hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn xã ngày được nâng cao, từng bước giảm nghèo bền vững cho người dân.
Nguồn: Báo Kon Tum
Số lượt xem:612

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
 
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐĂK TÔ - TỈNH KON TUM
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Sa Phương - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện
Địa chỉ: Số 22 đường Trần Hưng Đạo, khối 3 thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3831.209, Fax: 0260.3831.209; Email: ubnddakto-kontum@chinhphu.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1276402 Tổng số người truy cập: 291 Số người online:
TNC Phát triển: