banner
Thứ 3, ngày 21 tháng 1 năm 2025
Văn Lem: Thay đổi nếp nghĩ, cách làm để giảm nghèo
5-11-2024
Văn Lem, huyện Đăk Tô có 676 hộ gia đình, trong đó trên 97% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chủ yếu sinh sống bằng nghề nông nghiệp. Trong những năm qua, nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, toàn xã xây dựng được 12 mô hình sản xuất, thu hút 342 hộ gia đình tham gia, qua đó giảm còn 18,08% hộ nghèo và 6,35% hộ cận nghèo.   
Thực hiện Kết luận số 08-KL/TU, ngày 24/2/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về chủ trương triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh (viết tắt là Cuộc vận động), hơn 3 năm qua (2021-2024), Đảng uỷ xã Văn Lem cụ thể hóa các nội dung của Cuộc vận động vào chương trình hoạt động của xã để lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Trong đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thường xuyên đi cơ sở để phối hợp tuyên truyền, kiểm tra, giám sát các mô hình phát triển sản xuất một cách chặt chẽ.
Chị Y Hạnh  -cán bộ Tư pháp được UBND xã Văn Lem phân công phụ trách thôn Măng Rương đưa tôi đi thăm một số mô hình trồng cây cao su và cà phê của thôn. Đứng tại vườn cà phê của anh A Têm, chị Y Hạnh kể: Toàn thôn hiện có 178 hộ DTTS. Thực hiện Cuộc vận động, bà con trong thôn đã chuyển diện tích trồng cây mì sang trồng 30 ha cây cà phê và 28 ha cây cao su. Nhờ chăm sóc có khoa học-kỹ thuật, nên đến nay các loại cây này phát triển tốt, trong đó năng suất cây cà phê luôn đạt hơn 16 tấn tươi/ha. Đây thực sự là 2 loại cây chủ lực góp phần quan trọng để bà con giảm nghèo bền vững. Đến nay, toàn thôn chỉ còn 25 hộ nghèo và 11 hộ cận nghèo.
Không những phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, xã Văn Lem còn có thế mạnh về đồng cỏ để phát triển đàn gia súc, trong đó chủ yếu là nuôi bò và mới đây còn đưa cả giống hươu vào nuôi thí điểm. Anh Quách Văn Hà-dân tộc Mường, ở thôn Tê Rông tâm sự: Năm 2021, anh đầu tư 140 triệu đồng làm chuồng trại và mua 3 con hươu giống về nuôi, trong đó có 2 con hươu cái. Tận dụng đất vườn trồng cỏ cho hươu ăn, vệ sinh chuồng trại bằng vôi sạch sẽ, nên đàn hươu của anh phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Đến nay, 2 con hươu cái đẻ 4 con và hươu đực thu 2 kg nhung bán 36 triệu đồng. Nếu tính giá hiện nay, tổng đàn 7 con hươu của anh trị giá 160 triệu đồng. Trong thời gian tới, anh chú trọng nuôi hươu sinh sản để cung cấp hươu con cho bà con trong thôn cùng chăn nuôi hươu có giá trị kinh tế cao.
Có thể mói, qua 3 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động, Đảng uỷ xã Văn Lem chú trọng nhất là tuyên truyền các mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất để thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong đó, hướng dẫn bà con sử dụng có hiệu quả nguồn lực của gia đình, nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, biết áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, biết chi tiêu hợp lý để tích luỹ vốn tái đầu tư sản xuất, biết triển khai các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Đồng thời, hướng dẫn bà con chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao gắn với Đề án mỗi xã một sản phẩm, tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã, tích cực tham gia trồng rừng, bảo vệ và quản lý rừng…
Nhờ đó, đến nay, toàn xã Văn Lem trồng được 622 ha cây hàng năm, đạt 100%, gần 550 ha cây lâu năm và cây dược liệu, đạt 133% kế hoạch/năm. Đồng thời, nuôi 1.563 con gia súc và 5.025 con gia cầm, đạt trên 1 00% kế hoạch/năm. Các loại cây, con đều sinh trưởng, phát triển tốt, chưa có dịch bệnh xảy ra. Bên cạnh đó, thành lập 4 hợp tác xã và 11 tổ hợp tác hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi; xây dựng được 12 mô hình sản xuất để các hộ nghèo, hộ cận nghèo có cơ hội tham gia phát triển kinh tế. Qua đó, nâng cao nhận thức, thay đổi cách nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo bền vững cho người dân. Tính đến cuối năm 2023, toàn xã còn 111 hộ nghèo, chiếm 18,08% và 39 hộ cận nghèo, chiếm 6,35% tổng số hộ của xã..
Tuy nhiên, các mô hình sản xuất của xã hiệu quả chưa nhiều, thậm chí có một số mô hình không đạt hiệu quả. Cụ thể, mô hình cải tạo vườn tạp được triển khai từ năm 2021 và 2022, lúc đầu các hộ tham gia triển khai trồng đảm bảo quy định, nhưng do công tác chăm sóc không đảm bảo, dẫn đến không hiệu quả. Mô hình trồng rừng, người dân không chăm sóc đúng theo hướng dẫn, giống cây trồng không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, dẫn đến không hiệu quả. Còn mô hình trồng cây dược liệu thì lựa chọn giống cây trồng sâm dây không phù hợp, hoặc các loại cây như: hoàng sin cô, hoài sơn…đến thời kỳ thu hoạch đầu ra tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn…
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Văn Lem A Hùng cho hay: Trong thời gian tới, Đảng uỷ xã tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình đã triển khai có hiệu quả như: chăn nuôi bò sinh sản, heo sọc dưa, nuôi huơu, trồng và chăm sóc cây cao su, cây cà phê và trồng gừng trong bao. Đồng thời, tổ chức khảo sát toàn bộ hộ nghèo, hộ cận nghèo để phân loại đối tượng tham gia xây dựng mô hình. Đặc biệt, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn thực hiện Cuộc vận động một cách cụ thể, gắn với triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, để tạo điều kiện cho các mô hình triển khai hiệu quả, qua đó giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm nhiều hơn, mới có thể thực hiện giảm nghèo một cách bền vững.
Nguồn: Báo Kon Tum
Số lượt xem:609

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
 
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐĂK TÔ - TỈNH KON TUM
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Sa Phương - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện
Địa chỉ: Số 22 đường Trần Hưng Đạo, khối 3 thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3831.209, Fax: 0260.3831.209; Email: ubnddakto-kontum@chinhphu.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1309539 Tổng số người truy cập: 3811 Số người online:
TNC Phát triển: