banner
Thứ 4, ngày 22 tháng 1 năm 2025
Nguy cơ tiềm ẩn từ các quảng cáo "điều đào" trên Facebook, Google
2-10-2023
Thời gian gần đây, các dịch vụ "điều đào" liên tục xuất hiện trên quảng cáo của Facebook và Google ở Việt Nam. Không những thế, đa số các quảng cáo này còn hướng lái đến quảng bá cho ứng dụng livestream khiêu dâm và đánh bạc. Sở dĩ các quảng cáo như “điều đào” hay các app livestream xuất hiện dày đặc trên Facebook thời gian qua một phần là do mạng xã hội này dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để duyệt quảng cáo, gây ra không ít hệ lụy kéo theo.

Ngập tràn quảng cáo “nhạy cảm” trên Facebook

Thời gian qua, trên Facebook liên tục xuất hiện các quảng cáo liên quan đến dịch vụ nhạy cảm có nội dung như “cung cấp tình một đêm”, “phố đèn đỏ”, “điều đào”… Còn trên Google là các quảng cáo liên quan đến “ứng dụng gọi đào.giải trí phim hay” hoặc “đào tơ”… Trong khi các quảng cáo trên Facebook hiện thẳng vào giao diện chat messenger của người dùng, thì trên Google quảng cáo xuất hiện thẳng ngay trên màn hình khoá người sử dụng điện thoại Android, thông qua gợi ý từ trình duyệt Chrome.



Các đối tượng dùng hình ảnh với vẻ ngoài nổi bật để tìm kiếm “con mồi”

Với việc dùng AI, những người làm quảng cáo chuyên nghiệp tại Việt Nam dễ dàng “lách” được thông qua thay đổi từ khoá, làm mờ hình ảnh “nhạy cảm” hay lồng vào các video nội dung…

Thực tế, rất khó có thể dẹp bỏ các quảng cáo này nếu không có sự kiểm duyệt của người thật. Nhưng như thế sẽ tốn rất nhiều nguồn nhân lực với khối lượng thông tin khổng lồ hàng ngày trên Facebook. Chính vì thế, mạng xã hội này đã “thả trôi” nhiều quảng cáo tệ nạn hay lừa đảo trong thời gian qua.

Có một thực tế, hiện nay, Facebook hay Google, thậm chí là cả Zalo… đang được xem là bước đệm, như các ứng dụng “điều đào” ở trên, để kẻ xấu thực hiện mục đích lừa đảo. Theo đó, những đối tượng lừa đảo sử dụng các nền tảng làm cầu nối, sau đó, hướng người dùng qua Telegram để thực hiện mục đích cuối cùng.

Kịch bản tinh vi của các đối tượng

Thực chất các ứng dụng này không phải là cung cấp dịch vụ nhạy cảm, mà là một trong những hình thức lừa đảo trên mạng phổ biến hiện nay. Khách hàng, sau khi tham gia các ứng dụng “điều đào” tiến hành thực hiện xong nhiệm vụ đến giai đoạn rút tiền về tài khoản của mình, hệ thống báo lỗi và kết quả họ biết mình bị lừa.

Cụ thể, khi người dùng truy cập vào một quảng cáo có tên “phố đèn đỏ” và nhắn tin để hỏi về dịch vụ, trên Facebook tin nhắn tự động cho biết, đây là “dịch vụ book đào 63 tỉnh thành cho các anh tình một đêm.... Hotgirl, sinh viên, gái văn phòng cho các sếp đi công tác. Sẽ hỗ trợ book, giới thiệu, bảng giá, hình ảnh các bé qua ứng dụng chat bảo mật Telegram”. Ngay sau đó, một đường link Telegram cùng mã giới thiệu được gửi đến và khi nhấp vào, sẽ chuyển qua một tài khoản tư vấn.

Tài khoản Telegram có hình ảnh một cô gái nóng bỏng với biệt danh bao gồm tên đi kèm chữ sweetlove và ngay lập tức xưng hô rất thân mật “Em chào anh yêu, anh yêu cho xin tên tuổi và địa chỉ đang sống…”. Ngay khi khách hàng cung cấp thông tin đang ở một địa chỉ nào đó, lập tức loạt hình ảnh về các cô gái được gửi đến và tài khoản hướng dẫn yêu cầu chọn một cô mà “anh yêu” thích để đi vui vẻ với nhau.

Khi chọn bất kì một cô gái, thông tin tên, tuổi và giá cả được đưa ra, tài khoản hướng dẫn cũng đưa đường link dẫn đến tài khoản Telegram của cô gái được chọn. Khách hàng tiến hành trao đổi thì được hỏi muốn đi luôn hay “check hàng”, trả lời muốn “check hàng” trước rồi đi, cô gái liền gửi một hình ảnh động không mặc quần áo qua khung chat, đồng thời xin 2 phút để thay đồ.

Sau 2 phút, một cuộc gọi video được cô gái thực hiện và bấm vào hiện lên hình ảnh một cô gái giấu mặt không mặc quần áo đứng nhảy uốn éo liên tục tầm 30 giây, sau đó tắt ngay và được trả lời chỉ cho xem đến đó. Đáng chú ý, video này rất giống được dựng sẵn từ trước chứ không giống đang trực tiếp.

Sau khi đồng ý "đi vui vẻ", cô gái liền hỏi khách hàng đã có thẻ câu lạc bộ “sweetlove” chưa; nếu chưa có sẽ được yêu cầu phải làm thẻ thành viên của câu lạc bộ. Lúc này, khách hàng trở lại với tài khoản hướng dẫn để đăng ký thẻ thành viên và được giới thiệu nhiều quyền lợi như miễn phí khách sạn, đặt lịch trên toàn quốc, tận hưởng dịch vụ trước thanh toán sau, có thể nhảy dù với các người mẫu ảnh trên toàn quốc…. Và để mở tài khoản, người dùng phải thanh toán phí 155.000 đồng.

Khi chuyển tiền xong, tài khoản hướng dẫn gửi cho người dùng một đường link trang web, trên này có các gói nhiệm vụ "tình một đêm" và các bộ phim sex, đồng thời cung cấp mã giới thiệu cho khách, thông báo đăng ký tài khoản thành công. Ngay sau đó, tài khoản hướng dẫn gửi một hình ảnh chiếc thẻ VIP của câu lạc bộ sweetlove đến khách hàng ở trạng thái “chưa kích hoạt”.

Nhiều người sẽ nghĩ rằng, đến bước này là có thể hẹn hò với các cô gái được giới thiệu. Nhưng thực tế từ đây, quy trình lừa đảo của các ứng dụng “điều đào” mới bắt đầu. Ngay khi tạo thẻ thành viên xong, tài khoản hướng dẫn gửi tiếp một tài khoản Telegram giới thiệu là dịch vụ chăm sóc khách hàng (CSKH) của câu lạc bộ để hướng dẫn kích hoạt thẻ.


Các Câu lạc bộ “mồi chài” trên Telegram

Khách hàng sẽ tiếp tục làm việc với tài khoản CSKH, tiếp tục là tài khoản có hình ảnh đại diện một cô gái nóng bỏng khác và xưng hô “anh yêu” ngọt ngào như trên. Theo đó, tài khoản CSKH yêu cầu người dùng vào lại trang web và bắt đầu làm nhiệm vụ “bình chọn”, trong này có các bình chọn 1-2-3 và bắt đầu từ bình chọn 1.

Để làm bình chọn 1, CSKH hướng dẫn khách hàng chọn đáp án và gõ vào số tiền 50.000 đồng, khi xong tài khoản đã đăng ký trên web sẽ tăng lên 200.000 đồng. Để tạo niềm tin, tài khoản này còn hướng dẫn khách hàng cách liên kết số tài khoản ngân hàng với tài khoản đã đăng ký thành viên để rút tiền của mình về.

Sau khi xong bình chọn 1, khách hàng sẽ chuyển qua bình chọn 2 và ở bình chọn này phải đóng thêm tiền với các mức 1.000.000 đồng người dùng sẽ được hưởng hoa hồng 300.000 đồng, 3.000.000 đồng được hưởng hoa hồng 900.000 đồng và ở mức 5.000.000 đồng hoa hồng là 1.500.000 đồng.
Khi người dùng xong bình chọn 2 sẽ qua đến bình chọn 3 với số tiền đóng vào cao nhất lên tới 15.000.000 đồng với mức hoa hồng nhận được là 4.500.000 đồng và CSKH cho biết, xong sẽ được kích hoạt tài khoản.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thấy có sự chần chừ phía CSKH luôn cam kết là tiền sẽ được nạp vào tài khoản trên web và sau khi xong khách hàng sẽ được rút về để tạo niềm tin. Nếu khách hàng vẫn chưa thực hiện, lâu lâu các tài khoản của hệ thống lại gửi qua một clip các cô gái khoả thân để dụ dỗ với nội dung nhanh làm xong nhiệm vụ để còn "đi vui vẻ". Cứ thế, sau khi khách hàng không thể chi trả thêm cho nhiệm vụ tiếp theo nữa hoặc phát hiện mình bị lừa, các đối tượng sẽ lập tức chặn và cao chạy xa bay trên con đường tìm kiếm “con mồi” khác.

Đáng chú ý, sau khi đăng ký làm thẻ, người dùng sẽ được chuyển vào group của câu lạc bộ. Tuy nhiên, đa phần các nick trong group là ảo, group hơn 7.700 thành viên chỉ có vài người online, chủ yếu là các bot tự động chat với nội dung yêu cầu người dùng kích hoạt thẻ.

Bên cạnh đó, các đối tượng còn có thể dẫn dụ nạn nhân tham gia các cuộc gọi video call “nhạy cảm”, đồi trụy với các clip phát lại để thu thập hình ảnh nhạy cảm của nạn nhân. Sau đó, chúng gây áp lực công bố các nội dung đó công khai lên mạng xã hội, gửi cho người thân, bạn bè nạn nhân rồi ép buộc nạn nhân chuyển tiền nhiều lần để chiếm đoạt…

Cái giá khi đặt niềm tin nhầm chỗ

Trên thực tế, hình thức lừa đảo thông qua các dịch vụ “nhạy cảm” không hề mới, nhưng số lượng các trường hợp lừa đảo có xu hướng tăng trong thời gian vừa qua, khi ngày càng nhiều người dành thời gian rãnh rỗi để tham gia các hoạt động trên mạng xã hội. Việc quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội các loại hình dịch vụ như hiện nay là cần câu hiệu quả của tội phạm mạng trong việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Ngoài ra, người dùng còn có thể bị các đối tượng thu thập thông tin cá nhân với mục đích xấu. Khi có thông tin được cá nhân của người dùng, các đối tượng dùng để làm giả các loại giấy tờ giả, đăng ký các loại hình dịch vụ, rao bán dữ liệu cá nhân của người dùng trên không gian mạng. Từ đó sẽ gây ra rất nhiều phiền toái, rắc rối cho người dùng khi đã lỡ “cắn câu”.

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Kon Tum khuyến cáo người dân khi tham gia các hoạt động trên mạng xã hội cần nâng cao cảnh giác. Không tham gia vào các hoạt động, diễn đàn, hội nhóm mang tính chất “đồi trụy” trên không gian mạng nhằm tránh rơi vào các chiêu trò của những kẻ lừa đảo. Khi phát hiện trường hợp nghi vấn, đề nghị báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc liên hệ qua fanpage An Ninh Mạng Và Phòng Chống Tội Phạm Công Nghệ Cao tỉnh Kon Tum (https://www.facebook.com/anninhmangkontum) để được hướng dẫn, xử lý kịp thời./.
Quang Nhật - Công an huyện
Số lượt xem:14088

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
 
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐĂK TÔ - TỈNH KON TUM
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Sa Phương - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện
Địa chỉ: Số 22 đường Trần Hưng Đạo, khối 3 thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3831.209, Fax: 0260.3831.209; Email: ubnddakto-kontum@chinhphu.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1310257 Tổng số người truy cập: 126 Số người online:
TNC Phát triển: