Hiện nay nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đăk Tô đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt đối với ngành chăn nuôi. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện kinh tế cho người dân.
Công tác phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực; về cơ cấu, tổ chức chăn nuôi có sự thay đổi đáng kể, từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo quy mô tập trung, chuyên biệt sản xuất hàng hóa. Đến nay, trên địa bàn huyện có 21 trang trại chăn nuôi do các doanh nghiệp, hợp tác xã và cá nhân đầu tư. Trong đó có 16 trang trại chăn nuôi lợn và 05 trang trại chăn nuôi gia cầm.
Mô hình chăn nuôi lợn tại thị trấn Đăk Tô
Thực tế cho thấy, việc chăn nuôi tập trung theo quy mô trang trại chiếm ưu thế so với chăn nuôi nhỏ lẻ như đáp ứng được các yêu cầu về khoảng cách xa khu dân cư, các công trình phúc lợi, nguồn cung cấp nước sinh hoạt, giảm thiểu đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe con người; nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong nông nghiệp, giá trị trong hoạt động sản xuất chăn nuôi; đảm bảo an toàn dịch bệnh; tạo được sự liên kết trong chăn nuôi, ổn định đầu ra cho sản phẩm, tạo được vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, chế biến, góp phần thúc đẩy các ngành dịch vụ phụ trợ phát triển; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại địa phương…
Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có các Dự án chăn nuôi đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng để chuẩn bị đi vào hoạt động như trang trại nuôi heo ứng dụng công nghệ cao tại thôn Đăk Manh 2, xã Đăk Rơ Nga do Công ty TNHH BA FARM xây dựng với diện tích khoảng 145.000m2./.