banner
Thứ 7, ngày 27 tháng 4 năm 2024
Thanh niên Đăk Tô “Lập thân, lập nghiệp”
22-4-2022

Những năm qua, phong trào “Thanh niên lập thân, lập nghiệp” trên địa bàn huyện Đăk Tô đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua các phong trào xuất hiện nhiều mô hình thanh niên tham gia phát triển kinh tế có hiệu quả; ngày càng có nhiều thanh niên năng động, dám nghĩ, dám làm, biết vươn lên tự làm giàu, lập nghiệp cho bản thân và còn giúp đỡ các thanh niên cùng phát triển kinh tế.

Thanh niên Đăk Tô “Lập thân, lập nghiệp”

CT

Những năm qua, phong trào “Thanh niên lập thân, lập nghiệp” trên địa bàn huyện Đăk Tô đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua các phong trào xuất hiện nhiều mô hình thanh niên tham gia phát triển kinh tế có hiệu quả; ngày càng có nhiều thanh niên năng động, dám nghĩ, dám làm, biết vươn lên tự làm giàu, lập nghiệp cho bản thân và còn giúp đỡ các thanh niên cùng phát triển kinh tế.
Xác định đồng hành cùng thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Đoàn, Ban Thường vụ Huyện đoàn Đăk Tô đã chỉ đạo các tổ chức đoàn cơ sở triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thanh niên trong phát triển kinh tế; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay, tổng dư nợ vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội do Huyện đoàn quản lý là hơn 70 tỷ đồng, với hơn 1.300 hộ gia đình hội viên được vay.
Để đoàn viên thanh niên có được định hướng đúng đắn và có điều kiện xây dựng các mô hình kinh tế, các cấp bộ Đoàn huyện Đăk Tô đã có nhiều hình thức hỗ trợ thanh niên trong xây dựng, phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế tập thể thông qua các chương trình, dự án… Nhiều thanh niên đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng từ các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng cây măng tây tại xã Diên Bình, các mô hình trồng cây cao su và cà phê tại xã Tân cảnh, mô hình chăn nuôi gia súc – gia cầm tại xã Ngọc Tụ. Bên cạnh hỗ trợ ĐVTN phát triển kinh tế, Huyện đoàn Đăk Tô còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ĐVTN thực hiện hiệu quả các phong trào “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, cuộc vận động “Thanh niên lập thân, lập nghiệp”. Cùng với đó, tổ chức các lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp cho ĐVTN; truyền thông tư vấn, định hướng nghề nghiệp và việc làm cho học sinh THPT; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các buổi tuyên truyền về việc làm, học nghề, vay vốn bằng nhiều hình thức phong phú… Đồng chí Đinh Công Bình – Bí thư Huyện đoàn cho biết: “Phong trào Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp đã khẳng định vai trò của tổ chức Đoàn trong đời sống, tạo điều kiện thuận lợi cho ĐVTN vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Thời gian tới, Huyện Đoàn tiếp tục đẩy mạnh phong trào, chú trọng công tác phối hợp đào tạo nghề và chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay; xây dựng và nhân rộng những mô hình điểm thanh niên làm kinh tế giỏi để tổ chức tham quan, học tập”.
Đặc biệt, Huyện đoàn đã cụ thể hóa Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” bằng những mô hình, cách làm cụ thể như tìm nguồn hỗ trợ cây, con giống, hướng dẫn gia đình thanh niên dân tộc thiểu số rào vườn, làm chuồng bảo vệ đàn vật nuôi; trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê… Những cách làm sáng tạo, linh hoạt này đã tạo chuyển biến về nhận thức của thanh niên trong sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên quê hương.
Xã Pô Kô hiện có hơn 200 đoàn viên thanh niên đang tham gia sinh hoạt tại 8 chi đoàn thôn, làng. Phần lớn ĐVTN tại đây đi làm thuê, thu nhập không ổn định. Với vai trò là Bí thư Chi đoàn, trong các buổi sinh hoạt Đoàn, đồng chí A Kam luôn tuyên truyền, vận động ĐVTN thay đổi nếp nghĩ, cách làm từ việc sử dụng hiệu quả quỹ đất sản xuất hạn hẹp, đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả cao. 
Tháng 5 năm 2021, Đoàn xã Pô Kô đã triển khai mô hình Tổ hợp tác nuôi cá nước ngọt” tại thôn Kon Tu Dốp I, xã Pô Kô do đồng chí A Kam làm tổ trưởng. Tham gia mô hình có 03 thành viên với ao nuôi 3000m2, thả hơn 100kg cá giống gồm các loại gồm cá trắm, mè, rô phi, chép… kinh phí ban đầu hơn 150 triệu đồng. Những ngày đầu mới khởi nghiệp, gặp rất nhiều khó khăn như thiếu vốn, chưa có kinh nghiệm cũng như kỹ thuật nuôi nên cá thường xuyên bị bệnh và chết. Để nâng cao kiến thức và kinh nghiệm nuôi, anh đã đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn do các cấp tổ chức. Đến nay, mô hình phát triển tốt và sắp cho thu hoạch.
Đồng chí A Kam chia sẻ: “Khi thăm quan một số mô hình, tôi thấy xã Pô Kô phù hợp với lợi thế như là chăn nuôi thủy sản, chăn nuôi bò, một số cây công nghiệp như cà phê, sầu riêng, mắc ca. Từ đó tôi thành lập một tổ hợp tác về mô hình chăn nuôi thủy sản, không chỉ vậy mà tôi còn giúp các bạn ĐVTN trên địa bàn xã là tạo công việc” .
Đồng chí A Kam (bên trái) trao đổi kinh nghiệm cùng ĐVTN
Kinh tế ngày một phát triển, đoàn viên, thanh niên trong xã Pô Kô có điều kiện tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, hoạt động nhân đạo, từ thiện. Trong năm 2021, đoàn viên, thanh niên trong xã đã ủng hộ kinh phí và sửa chữa 01 căn nhà cho ĐVTN khó khăn với tổng kinh phí 12 triệu đồng; phối hợp với UBND xã Pô Kô và Nhân dân thôn Kon Tu Dốp 1 xây dựng công trình Thắp sáng đường quê” với chiều dài 1km và 20 điểm sáng; vận động các Chi đoàn thực hiện tốt công tác vần công đổi công để gây quỹ... Đồng thời, tuyên truyền về thông điệp 5K phòng, chống dịch Covid-19; động viên thanh niên lên đường nhập ngũ, tích cực luyện tập thể thao, nâng cao trình độ học vấn, tham gia giữ gìn an ninh trật tự tại địa bàn.
Mô hình kinh tế của anh Lê Đình Thông ở thôn 1, xã Tân Cảnh - Trưởng thôn trẻ tuổi nhất trên địa bàn, anh là tấm gương sáng về phát triển kinh tế ở địa phương. Từ mô hình trồng trọt kết hợp với nuôi cá, mỗi năm anh Thông thu về hàng trăm triệu đồng. Hiện gia đình đang trồng giống cà phê TR9 với diện tích hơn 2ha. Đặc điểm của loại này là mắt dày, quả chín muộn, chịu hạn khá tốt. Khi thu hoạch, quá trình phơi khô cũng nhanh hơn so với các giống cà phê khác. Vườn cà phê này cho thu nhập mỗi năm khoảng 120 triệu đồng.
Để chăm sóc tốt cho cây trồng, anh Thông đã tìm hiểu nhiều nguồn về kỹ thuật trồng và canh tác cây cà phê, áp dụng một số phương pháp mới, khác biệt với truyền thống. Đơn cử như hệ thống tưới nước cà phê này, anh học hỏi được thông qua một số hội, nhóm hướng dẫn về trồng cà phê hiện đại trên mạng. Anh đã mua đường ống nước và thiết bị, tự lắp ráp hệ thống tưới tự động.
Ngoài trồng cà phê, với diện tích vườn khoảng 2.000 m2, anh Thông còn trồng thử nghiệm 60 cây ổi và 30 cây bưởi. Hiện tại, cả 2 loại cây đều sinh trưởng tốt. Không chỉ vậy, tận dụng ao nước tưới hiệu quả nhất, anh Thông nuôi thêm cá trắm cỏ. Công việc nuôi cá mỗi năm mang lại nguồn thu cho gia đình anh từ 30 – 40 triệu đồng. 
 Đồng chí Thông chăm sóc cây cà phê
Với sức trẻ, tinh thần nhiệt huyết, anh tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do tổ chức Đoàn cấp trên tổ chức. Mô hình phát triển kinh tế của anh được các đoàn viên thanh niên, nhất là đoàn viên thanh niên có ý tưởng khởi nghiệp, lập nghiệp bằng trồng trọt, chăn nuôi đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Ngoài ra, anh còn tích cực vận động đoàn viên thanh niên đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương bằng các hoạt động thiết thực như dọn dẹp vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa nông thôn... Anh chia sẻ: “Cho đến nay thì phong trào của đoàn có rất nhiều chương trình hướng nghiệp cho ĐVTN, có những hướng, bước đi về nông nghiệp, nghề nghiệp. Riêng bản thân tôi đã cố gắng phát huy trồng trọt, trồng được cà phê và cải thiện được vườn – ao – chuồng”.
Nhận xét về anh Lê Đình Thông, đồng chí Bùi Thị Thủy Tiên - Phó Bí thư Đoàn xã Tân Cảnh cho biết: “Đồng chí Thông là một đoàn viên năng nổ, nhiệt tình trong công tác đoàn. Ngoài ra, trong phong trào lập thân, lập nghiệp cũng là tấm gương cho các ĐVTN noi theo”.
Xác định việc khởi nghiệp, lập nghiệp là hết sức cần thiết, Ban Thường vụ Huyện đoàn thường xuyên chỉ đạo các cấp bộ Đoàn chú trọng công tác tuyên truyền; tăng cường phát hiện, hỗ trợ, nhân rộng các mô hình thanh niên làm kinh tế hiệu quả tại địa phương. Từ đó cụ thể hóa theo yêu cầu, điều kiện của địa phương, đơn vị với những cách làm mới, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục được triển khai phải thật sự hiệu quả trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhờ vậy, ĐVTN ngày càng năng động, sáng tạo, quyết tâm cao trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp đã chọn. Sự giúp đỡ của các cấp bộ Đoàn và sự chủ động của các ĐVTN trên con đường lập thân, lập nghiệp không chỉ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mà còn phát huy khả năng sáng tạo của mỗi ĐVTN trong phát triển kinh tế, góp phần quan trọng trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và công tác giảm nghèo của địa phương./.
Thanh Huyền & Nguyệt Hằng - Trung tâm VHTTDL& TT huyện
Số lượt xem:642

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
 
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐĂK TÔ - TỈNH KON TUM
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Sa Phương - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện
Địa chỉ: Số 22 đường Trần Hưng Đạo, khối 3 thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3831.209, Fax: 0260.3831.209; Email: ubnddakto-kontum@chinhphu.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

799172 Tổng số người truy cập: 2456 Số người online:
TNC Phát triển: