Sáng ngày 21/4/2022, tại Hội trường huyện, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Kon Tum phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương và UBND huyện Đăk Tô tổ chức Hội thảo khoa học, giải pháp phát triển OCOP gắn với xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện. Tham dự có các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh, các sở, ngành, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh; lãnh đạo các huyện Đăk Tô, Tu Mơ Rông và các chủ thể tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh.
Toàn cảnh Hội thảo
Nội dung hội thảo bao gồm: Trình chiếu phóng sự về các sản phẩm đặc trưng của tỉnh; Báo cáo tham luận của các cơ quan/đơn vị/doanh nghiệp về sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP gắn với xây dựng Nông thôn mới trên đại bàn tỉnh.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm của tỉnh Kon Tum giai đoạn 2018-2022 và định hướng đến năm 2030 đã mang lại những kết quả ấn tượng và tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP; Từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, đặc biệt là gắn với vai trò của các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ; Chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt là phát huy vai trò của phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số,… Hội thảo cũng thảo luận về những giải pháp xây dựng, phát triển nông thôn mới hiệu quả và bền vững; phát triển sản phẩm độc đáo của địa phương cần nhân rộng và có chiều sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo bước đột phá; thực tiễn về công tác phát triển sản phẩm, những kiến nghị và đề xuất.
Trong thời gian qua, tỉnh đã tích cực hỗ trợ nâng cấp, cải tiến mẫu mã, chất lượng cho các sản phẩm; hỗ trợ xúc tiến thương mại và quảng bá các sản phẩm với nhiều hoạt động khác nhau..Đây là động lực lớn cho các chủ thể kinh tế đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn, đồng thời tạo sự lan tỏa để Chương trình này được triển khai mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Chương trình OCOP là một trong những giải pháp quan trọng góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển nội lực, điều kiện tự nhiên, văn hóa đặc trưng của địa phương; góp phần thực hiện hiệu quả chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, nâng cao giá trị gia tăng sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Kết thúc Hội thảo, đoàn đại biểu đã đi tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của huyện và của các địa phương trong tỉnh gắn hoạt động kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (24/4/1972 - 24/4/2022)./.
Một số hình ảnh về gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP: