banner
Thứ 5, ngày 14 tháng 11 năm 2024
Phát triển vùng mía nguyên liệu hướng đến sự bền vững
30-11-2021

Phát triển vùng mía nguyên liệu hướng đến sự bền vững

CT

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp về chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, huyện đã có nhiều giải pháp thích hợp trong việc chọn nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với địa phương đưa vào sản xuất, thâm canh. Một trong những hướng đi tích cực là mở rộng phát triển vùng mía nguyên liệu, nhằm tạo công ăn, việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nông dân.
Xã Ngọc Tụ có diện tích trồng mía nguyên liệu lớn nhất trên địa bàn huyện với trên 10 ha. Năm 2018 là năm đầu tiên xã đưa cây mía vào trồng đã cho sản lượng đạt hơn 1.300 tấn, năng suất bình quân đạt trên 70 tấn/ha và doanh thu bình từ 60-65 triệu đồng/ha. Để triển khai thực hiện, năm 2017 xã đã tuyên truyền, vận động 39 hộ dân ở 2 thôn Đăk Chờ, Đăk No tiến hành dồn đổi diện tích đất nông nghiệp để xây dựng cánh đồng mẫu lớn với diện tích hơn 10 ha trồng lúa bạc màu, cho năng suất thấp sang trồng cây mía. Để phát triển và mở rộng thành vùng nguyên liệu mía bền vững, đưa cây mía trở thành cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao, xã Ngọc Tụ còn phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân. Đồng thời, tăng cường việc kiểm tra, giám sát, bảo đảm tính pháp lý cho việc thực hiện hợp đồng giữa đại diện người dân và Công ty cổ phần đường Kon Tum; nắm bắt tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, tạo điều kiện cho những hộ nghèo vay vốn để bà con mở rộng phát triển sản xuất và mở rộng diện tích mía nguyên liệu. Ông Nguyễn Thành Luân - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Tụ cho biết: “Qua 4 năm triển khai mô hình liên kết, hiệu quả kinh tế từ cây mía rất cao so với một số cây trồng truyền thống của bà con như cây mì. Trong thời gian tới, UBND xã sẽ phối hợp chặt chẽ với mặt trận, các đoàn thể cùng với Công ty cổ phần mía đường Kon Tum, trực tiếp rà soát, tuyên truyền, vận động Nhân dân, đoàn viên hội viên chuyển đổi các diện tích cây lúa nước kém hiệu quả, cây mì kém năng suất chuyển sang trồng cây mía để vừa góp phần nâng cao đời sống của bà con, giữ vững tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới.”
Cánh đồng mía ở thôn Đăk No, xã ngọc Tụ
Cách đây 3 năm, khu đất gia đình ông Lê Văn Hiệu trồng cây mì, hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2017, gia đình ông được nhân viên khuyến nông của huyện và xã tuyên truyền về chủ trương chuyển đổi cơ cấu cấy trồng. Gia đình ông đã trồng 1 ha mía bằng giống KK3. Được sự hướng dẫn cụ thể về các biện pháp khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất nên toàn bộ diện tích mía của gia đình phát triển tốt, hàng năm năng suất bình quân đạt 90 tấn/1 ha; lợi nhuận sau khi trừ chi phí gần 50 triệu đồng.  Cũng như gia đình ông Hiệu, 7 hộ ở thôn Đăk No, xã Ngọc Tụ đã lựa chọn cây mía là cây trồng chủ đạo trong phát triển kinh tế. Hiện nay, thôn Đăk No có trên 6 ha mía. Dự kiến vụ thu hoạch mía năm 2020-2021, diện tích mía của thôn đạt trên 250 triệu đồng. Ông Lê Văn Hiệu phấn khởi chia sẻ: “So với trước đây trồng cây mì đem lại hiệu quả thu nhập thấp, trồng cây mía được nhà nước, công ty hỗ trợ vốn và công đã mang về thu nhập hàng năm đạt 100 tấn trở lên. Như vậy tôi thấy trồng cây mía thu nhập cao hơn, mong bà con là đồng hành trồng thêm và phát triển nhiều hơn nữa.”
Ông Lê Văn Hiệu bóc lá khô trên thân cây mía, chuẩn bị vào vụ thu hoạch
Hiện nay, huyện có 50 ha mía, trong đó diện tích đã trồng là 20 ha; diện tích trồng mới là 30 ha. Tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện, nhờ việc đưa cây mía vào trồng đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, góp phần tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, đẩy mạnh công tác giảm nghèo ở địa phương. Theo kế hoạch năm 2022, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng phát triển vùng mía nguyên liệu, phấn đấu xây dựng thêm 1 cánh đồng mía lớn tại xã Đăk Trăm với diện tích khoảng 10 ha. Bên cạnh đó, huyện tăng cường phối hợp với các cấp ngành có liên quan và Công ty cổ phần đường Kon Tum thực hiện việc quy hoạch, mở rộng diện tích trồng mía nguyên liệu ở các xã trên địa bàn huyện. Đồng thời đưa các giống mía có năng suất, chất lượng cao vào trồng; có cơ chế chính sách hỗ trợ người trồng mía, góp phần duy trì và phát triển bền vững vùng mía nguyên liệu. Ông Tưởng Văn Khanh - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết trong thời gian tới, huyện tập trung giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn và phát triển liên kết công ty cổ phần đường Kon Tum với diện tích là khoảng 30 ha trên địa bàn các xã Pô Kô, Ngọc Tụ, Đăk Rơ Nga và xã Đăk Trăm.
Có thể nói, việc mở rộng phát triển vùng mía nguyên liệu trên địa bàn huyện đang góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động tại địa phương. Đồng thời, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, đưa nghị quyết của Đảng về các vấn đề nông nghiệp nông thôn vào cuộc sống./.

 

THANH HUYỀN - Trung tâm VHTTDL&TT huyện
Số lượt xem:1210

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
 
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐĂK TÔ - TỈNH KON TUM
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Sa Phương - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện
Địa chỉ: Số 22 đường Trần Hưng Đạo, khối 3 thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3831.209, Fax: 0260.3831.209; Email: ubnddakto-kontum@chinhphu.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1188737 Tổng số người truy cập: 620 Số người online:
TNC Phát triển: