Từ ngày 01/01/2023 Sổ hộ khẩu và Sổ tạm trú không còn giá trị sử dụng, ở thời điểm này công dân chưa có Căn cước công dân cần phải làm ngay 02 việc: Một là, kiểm tra thông tin của mình trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đảm bảo thông tin đúng, chính xác; Hai là, đi làm Căn cước công dân và định danh điện tử.
Từ ngày 01/01/2023 Sổ hộ khẩu và Sổ tạm trú không còn giá trị sử dụng, ở thời điểm này công dân chưa có Căn cước công dân cần phải làm ngay 02 việc: Một là, kiểm tra thông tin của mình trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đảm bảo thông tin đúng, chính xác; Hai là, đi làm Căn cước công dân và định danh điện tử.
Một là, kiểm tra thông tin của mình trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đảm bảo thông tin đúng, chính xác bằng 02 cách sau:
Cách thứ nhất: Liên hệ với Công an cấp xã nơi cư trú để kiểm tra thông tin của mình trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nếu chưa có thông tin thì xuất trình các giấy tờ tùy thân (Giấy khai sinh/CMND) để Công an cấp xã thu thập và cập nhật thông tin lên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nếu đã có thông tin nhưng bị thiếu hoặc sai sót thì nhanh chóng điều chỉnh cho khớp với các giấy tờ tùy thân, đảm bảo việc sử dụng sau này được thống nhất, thuận lợi khi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú không còn giá trị sử dụng, không còn là giấy tờ chứng minh thông tin và nơi cư trú của công dân.
Ảnh minh họa
Cách thứ hai: Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bằng cách:
Bước 1: Công dân truy cập vào trang web Dịch vụ công Bộ Công an theo địa chỉ: https://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn hoặc https://dichvucong.bocongan.gov.vn
Bước 2: Đăng nhập tài khoản/ mật khẩu truy cập (sử dụng tài khoản Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc tài khoản định danh điện tử mức 1 hoặc mức 2); nhập mã OTP xác thực được hệ thống gửi về điện thoại.
Bước 3: Tại trang chủ, truy cập vào chức năng “Tra cứu hồ sơ” vào mục “Thông tin công dân” và nhập các thông tin theo yêu cầu: Họ và tên, số định danh cá nhân, ngày sinh, số điện thoại, mã xác nhận. Sau đó, nhấn “Tìm kiếm”.
Bước 4: Thông tin cơ bản công dân sẽ hiện thị trên màn hình gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Nơi đăng ký khai sinh; Quê quán; Nơi thường trú; Số định danh cá nhân; Số chứng minh nhân dân.
Hai là, đi làm Căn cước công dân gắn chip điện tử và định danh điện tử
Căn cước công dân gắn chíp chứa đựng thông tin công dân trong hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gồm họ và tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, nơi đăng ký thường trú. Các thông tin trên thẻ Căn cước công dân giúp xác định được thông tin và nơi thường trú của công dân. Số Căn cước công dân cũng chính là số định danh cá nhân được Bộ Công an xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, được cấp cho riêng mỗi cá nhân và không lặp lại ở người khác. Vì vậy, mọi người dân từ đủ 14 tuổi đang thường trú và tạm trú trên địa bàn chưa làm Căn cước công dân cần nhanh chóng liên hệ với Cơ quan Công an cấp huyện hoặc Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh làm Căn cước công dân đảm bảo quyền lợi và không gặp khó khăn trong thực hiện các thủ tục hành chính và các giao dịch khi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022.
Lực lượng chức năng tích cực phối hợp thu nhận Căn cước công dân và định danh điện tử cho công dân trên địa bàn
Công an tỉnh Kon Tum đề nghị công dân tự tra cứu thông tin, số định danh cá nhân của mình và gia đình, người thân trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc liên hệ Công an xã, phường, thị trấn nơi đăng ký thường trú để được cung cấp các thông tin trên. Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên đang cư trú trên địa bàn tỉnh Kon Tum (cả thường trú và tạm trú) chưa làm Căn cước công dân khẩn trương liên hệ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh hoặc Công an cấp huyện để được cấp Căn cước công dân trong thời gian sớm nhất, đảm bảo quyền lợi của công dân./.