Những năm qua, từ vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo “đòn bẩy” cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Đăk Tô có thêm điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo và chung tay xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Cùng với đội ngũ 9 cán bộ chuyên trách của NHCSXH huyện Đăk Tô, còn có 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, 143 Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại tất cả các thôn, tổ dân phố trên địa bàn toàn huyện. Để chính sách tín dụng ưu đãi đạt hiệu quả cao, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã luôn xác định việc thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; từ đó trực tiếp chỉ đạo NHCSXH phối hợp với các ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tập trung huy động các nguồn lực tài chính, chuyển tải kịp thời, an toàn nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Chị Y Huy – Chủ tịch Hội nông Dân, Xã Văn Lem cho biết:“Đến thời điểm hiện nay Hội nông dân xã đã tín chấp với NHCSXH huyện là 9 tỷ. Hội chủ yếu tín chấp mục đích vay về chăn nuôi bò sinh sản, trồng cây cao su, cà phê và trồng cây dược liệu. Nói chung một số hộ được thoát nghèo bền vững nhờ có nguồn vốn vay này”.
Phát triển kinh tế từ trồng cây dược liệu trên địa bàn xã Văn Lem
Tính đến 30/6/2022, tổng nguồn của NHCSXH huyện Đăk Tô đạt trên 382 tỷ đồng, tăng hơn 370 tỷ đồng so với năm 2002; nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương hơn 16 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Đăk Tô trong 20 năm qua đã giúp cho hơn 48 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, qua đó, hơn 8 ngàn hộ đã vượt qua ngưỡng nghèo, hơn 3.700 lao động có việc làm, 12 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, Có hơn 1000 HSSV được tiếp bước đến trường, gần 2.700 số hộ nghèo được hỗ trợ vốn để xây dựng nhà ở; hơn 7 ngàn hộ dân được cải thiện chất lượng cuộc sống qua chương trình cho vay NS&VSMTNT. Qua đó, góp phần quan trọng làm giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương từ 39,61% năm 2002 xuống còn 15,06% đến cuối năm 2021. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh – Chủ tịch UBND xã Diên Bình cho biết: “Trong 20 năm qua tình hình đời sống vật chất của bà con nhân dân sau khi hưởng lợi từ nguồn vốn này thì đã nâng cao rất đáng kể. Đặc biệt là thực hiện nâng cao tăng được tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM trên địa bàn xã. Trên cơ sở đó thì qua các nguồn vốn này, UBND xã cũng đã chỉ đạo phát triển các mô hình trong thôn đồng bào DTTS, các thôn khó khăn đã mang lại hiệu quả cao, làm cho bà con DTTS đã thay đổi được nếp nghĩ cách làm, làm cho bà con vươn lên thoát nghèo bền vững trong thời gian qua”.
Cùng với cán bộ tín dụng, những năm qua, tổ trưởng tổ Tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, làng chính là những"cánh tay nối dài” của Ngân hàng Chính sách xã hội trong thực hiện tín dụng ưu đãi trên địa bàn huyện.
Hơn 15 năm gắn bó cùng Ngân hàng Chính sách xã hội, với vai trò là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Phụ nữ thị trấn Đăk Tô quản lý, bà Nguyễn Thị chuyên đã không quản ngại khó khăn, tận tụy với công việc, quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.
Mới buổi ban đầu còn bỡ ngỡ về nghiệp vụ, được sự tận tình hướng dẫn của cán bộ NHCSXH và được tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ do NHCSXH tổ chức hàng năm, bà đã làm quen dần và nắm bắt nghiệp vụ rất nhanh. Bà thường xuyên nghiên cứu và nắm chắc các quy trình nghiệp vụ của NHCSXH, đảm bảo bình xét cho vay đúng quy trình, đúng đối tượng, thường xuyên theo dõi và hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Nhờ đó tổ viên của tổ từ buổi ban đầu chỉ có hơn 35 tổ viên với dư nợ hơn 360 triệu đồng, đến nay tăng lên 52 hội viên với dư nợ hơn 2 tỷ đồng. Bà Nguyễn thị Chuyên - Tổ trưởng tổ Tiết kiệm và vay vốn, khối 2 thị trấn Đăk Tô cho biết: “Tôi luôn luôn gắng kết các chị em trong khối để chị em có nguồn vốn sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi phát triển đời sống. Đồng thời luôn động viên chị em thực hiện đóng lãi, đóng tiết kiệm đầy đủ, đến gốc phải trả nợ đúng hạn và sử dụng đồng vốn thì phải đúng mục đích”.
Gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ Thu, trước đây thuộc diện hộ nghèo. Năm 2014, chị Thu vào tổ tiết kiệm và vay vốn của bà Chuyên, sau đó, được tiếp cận nguồn vốn cho vay hộ nghèo của NHCSXH huyện, với số tiền vay 50 triệu đồng. Được hướng dẫn cách đầu tư phát triển sản xuất, đến nay, chị Thu đã thoát nghèo, trở thành một trong những hộ vay có nguồn thu nhập ổn định trong tổ. Chị Nguyễn Thị Mỹ Thu – Tổ viên tổ Tiết kiệm và vay vốn, khối 2 thị trấn Đăk Tô chia sẻ: “Trước đây khi 2 vợ chồng vừa lấy nhau về gia đình rất là khó khăn. Nhưng nhờ khối và hội phụ nữ giới thiệu tôi vay được 50 triệu đồng về trồng cao su. Đến nay, gia đình đã cải thiện được cuộc sống, chăm lo cho con cái được đầy đủ hơn”.
Cũng là một trong những tấm gương điển hình cho việc sử dụng vốn vay hiệu quả là hộ gia đình anh A Thiếu ở Thôn Tu Dốp2 - xã Pô Kô.
Dẫn chúng tôi ra thăm những lồng cá, với những con trắm đen, rô phi, diêu hồng to khỏe đang vùng vẫy dưới dòng nước trong xanh, anh A Thiếu xởi lởi: Nhận thức được lợi thế mặt nước lòng hồ, năm 2019, tôi đã chủ động đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi; đồng thời, vay 100 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đăk Tô, cùng với số vốn dành dụm để đầu tư nuôi 12 lồng cá. Qua quá trình nuôi, tôi thấy việc nuôi cá phải cần mẫn, tỉ mỉ từ khâu chọn giống, đến việc chế biến thức ăn và lập thời gian biểu cho cá ăn... Tôi chọn cách nuôi theo cách truyền thống, thức ăn của cá chủ yếu là cám gạo, cỏ voi, cây chuối, sắn, nhờ vậy mà thịt cá ngọt và săn chắc, ngon hơn hẳn so với các loại cá nuôi cám công nghiệp.
Tuy còn 2 tháng nữa mới đến thời điểm thu hoạch, nhưng đến nay, đàn cá của anh phát triển khỏe mạnh. Theo tính toán, sản lượng các loại cá của anh bán ra có thu nhập trung bình hơn 100 triệu đồng/năm.
Mô hình nuôi cá lồng bè của anh A Thiếu - xã Pô Kô
Từ thực tiễn cho thấy, chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn huyện đã có hiệu quả thiết thực, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, tạo việc làm. Qua đó, đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế xã hội địa phương, đưa huyện Đăk Tô ngày càng phát triển, văn minh, giàu đẹp./