I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Đăk Tô là huyện miền núi và vùng cao, nằm ở phía Bắc tỉnh Kon Tum, bao gồm 9 xã, thị trấn (Diên Bình, Pô Kô, Tân Cảnh, Kon Đào, Ngọc Tụ, Đăk Rơ Nga, Đăk Trăm, Văn Lem và thị trấn Đăk Tô) với diện tích tự nhiên là 50.870,31 ha (Theo tài liệu kiểm kê hiện trạng sử dụng đất năm 2015) chiếm 5,29% diện tích trên toàn tỉnh, dân số trung bình năm 2018 có 46.563 người.
Trung tâm huyện lỵ là thị trấn Đăk Tô, cách thành phố Kon Tum 42 km về phía Bắc theo đường Hồ Chí Minh. Ranh giới hành chính huyện Đăk Tô: Phía Đông giáp huyện Đăk Hà và huyện Tu Mơ Rông; phía Tây giáp huyện Ngọc Hồi; phía Nam giáp huyện Sa Thầy và huyện Đăk Hà; phía Bắc giáp huyện Tu Mơ Rông.
Huyện Đăk Tô có đường Hồ Chí Minh chạy qua nối Đăk Tô với các huyện trong tỉnh, các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh miền Trung và Nam Lào, Đông Bắc Campuchia. Dư án nâng cấp, mở rộng Quốc 14B trên tuyến Quốc lộ 40, tỉnh lộ 672 và Nam Quảng Nam (Tam Kỳ - Trà My) sẽ tạo điều kiện đưa Đăk Tô gần hơn với Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, điều này sẽ tạo thuận lợi cuốn hút vào sự phát triển và chịu ảnh hưởng lớn của những khu vực phát triển này trong quá trình giao lưu kinh tế. Song đây cũng là những thách thức lớn trong định hướng phát triển kinh tế, chiếm lĩnh thị trường, gắn ổn định phát triển kinh tế với giữ vững an ninh, quốc phòng của một huyện trung tâm tỉnh.
Theo tuyến đường Hồ Chí Minh, Đăk Tô cách thành phố Kon Tum 42 km, cách thị trấn Đăk Hà 20 km, cách thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi) 20 km và cách cửa khẩu Quốc tế Bờ Y khoảng 39 km. Như vậy, có thể nói Đăk Tô là trung điểm của các khu vực kinh tế trọng điểm tỉnh Kon Tum. Vị trí địa lý này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cuốn hút vào sự phát triển và chịu ảnh hưởng lớn của những khu vực này trong quá trình giao lưu kinh tế, thu hút đầu tư.
Đăk Tô là nơi có diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn quan trọng của thuỷ điện Plei Krông. Vì vậy, Đăk Tô còn có vị trí rất quan trọng về bảo vệ môi trường sinh thái, không những của Đăk Tô, của tỉnh Kon Tum mà cả các tỉnh hạ Lào, đông bắc Campuchia và vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Huyện Đăk Tô nằm trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam nên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, có nhiều cơ hội mở rộng hợp tác và hội nhập vào nền kinh tế quốc gia, quốc tế; mở rộng thị trường, tạo cơ hội việc làm và tăng thu nhập, đặc biệt là khu vực nông thôn; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ và tăng khả năng tiêu thụ đầu ra cho sản xuất.
Trong những năm qua, lợi thế về vị trí của Đăk Tô đã thu hút nhiều dự án công nghiệp góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Việc hoàn thành các tuyến Quốc lộ 40B, đường Hồ Chí Minh đã phá thế ngõ cụt của tỉnh, của huyện, giúp cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách từ Đà Nẵng đi các tỉnh Tây Nguyên; từ Lào đi các tỉnh Duyên Hải Miền Trung, Tây Nguyên,… qua huyện Đăk Tô được thực hiện dễ dàng. Việc khai thông các tuyến giao thông quan trọng đã góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa, phát triển dịch vụ.
Dự báo trong 10-15 năm tới, lợi thế về vị trí địa lý của huyện sẽ được khai thác tốt hơn, do đường Hồ Chí Minh đầu tư giai đoạn II (Năm 2015, hoàn thành đoạn từ Đăk Tô đến Bình Phước); Quốc lộ 18B và các tuyến đường quan trọng của Lào sẽ được đầu tư, nâng cấp hoàn thành để hòa vào mạng lưới giao thông khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Viêt Nam; tuyến đường 14B cũng được triển khai xây dựng,… Cũng trong giai đoạn tới, các khu vực kinh tế trọng điểm của miền Trung (Đà Nẵng, Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế Dung Quất, Khu kinh tế Nhơn Hội) được tập trung đầu tư và phát triển mạnh mẽ, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Đăk Tô nói riêng.
II. TIỀM NĂNG VÀ KHẢ NĂNG KHAI THÁC CÁC TÀI NGUYÊN
1. Địa hình
Địa hình theo độ cao tự nhiên: Toàn bộ lãnh thổ của huyện nằm ở phía Tây Trường Sơn, địa hình có hướng thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây. Phần lớn nằm trên dạng địa hình núi cao trung bình; có thể chia thành 3 dạng địa hình sau:
- Địa hình núi trung bình: Độ cao trung bình so với mặt nước biển 1000-1.800m, gồm các dãy núi phía Bắc và Đông Bắc huyện, khu vực này có độ dốc thường trên 250. Trong khu vực có nhiều thung lũng hẹp, sâu.
- Địa hình núi thấp: Có độ cao trung bình 800-1.000m, phân bố ở phía Bắc và Đông của huyện, có nhiều thung lũng hẹp và sâu.
- Địa hình gò đồi lượn sóng: Nằm ở độ cao trung bình 550-600m, phân bố ở khu vực phía Nam và Tây Nam.
Địa hình theo độ dốc:
- Địa hình bằng (00 - 150), chiếm 27% tổng diện tích đất toàn huyện.
- Địa hình trung bình (150-250), chiếm 72,8% tổng diện tích đất toàn huyện.
- Địa hình dốc (>250), chiếm 0,2% tổng diện tích đất toàn huyện.
Nhìn chung, địa hình của huyện Đăk Tô rất đa dạng và phức tạp. Mức độ chia cắt lớn, độ dốc cao ở phía Bắc và Đông. Địa hình ít dốc, gò đồi lượn sóng ở khu vực phía Nam và Tây Nam. Đặc điểm phức tạp của địa hình Đăk Tô đã tạo ra những cảnh quan phong phú, đa dạng mang tính chất đặc thù của tiểu vùng, vừa mang tính đan xen và hoà nhập. Đặc điểm đó ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành các tiểu vùng khí hậu, phân bố mạng lưới giao thông (nhiều đường nhánh, đường cụt), phân bố các điểm dân cư; ảnh hưởng rất lớn đến chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (điện, nước, giao thông, thông tin, phát thanh truyền hình,...). Vì vậy, vấn đề đặt ra là khai thác tài nguyên phù hợp với các dạng địa hình cảnh quan khác nhau nhằm đảm bảo tính hiệu quả và tính lâu bền của môi trường sinh thái.
2. Khí hậu
a) Nhiệt độ không khí
- Nhiệt độ trung bình: Chế độ nhiệt tại huyện Đăk Tô là chế độ nhiệt đới gió mùa Cao Nguyên. Nền nhiệt tương đối cao, nhưng có sự phân hóa rõ rệt giữa các vùng theo độ cao, thông thường khi lên cao 100m, nhiệt độ không khí giảm từ 0,5-0,60C. Do địa hình có độ cao thấp dần từ Đông Bắc-Tây Nam, khu vực phía Đông-Bắc có độ cao phổ biến trên 800m, khu vực phía Tây Nam có độ cao phổ biến từ 600-800m, do vậy nhiệt độ tại khu vực phía Tây Nam cao hơn khu vực Đông Bắc phổ biến từ 1-1,50C.
Nhiệt độ không khí tại huyện Đăk Tô thấp nhất vào tháng 12, tháng 1 (trung bình 190C); đạt cao nhất vào tháng 3, 4, 5.
Tổng nhiệt độ tại huyện Đăk Tô ở mức trung bình, khu vực Đông Bắc phổ biến từ 7800-80000C, khu vực còn lại từ 8100-83000C.
b) Chế độ mưa
Chế độ mưa tại khu vực huyện Đăk Tô phụ thuộc vào chế độ gió mùa và địa hình. Mùa mưa bắt đầu tư tháng 05 cho đến tháng 10 là do tác động của gió mùa Tây Nam mang lại. Từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau do tác động trực tiếp của gió mùa Đông Bắc là mùa khô. Lượng mưa tại các khu vực có địa hình khác nhau cũng khác nhau. Tại khu vực Đông Bắc huyện, do có địa hình núi cao đón gió Tây Nam, do vậy lượng mưa lớn hơn phổ biến đạt trên 2000 mm. Khu vực còn lại của huyện phổ biến là địa hình núi thấp, thung lũng, có độ cao phổ biến 600-800m, có lượng mưa phổ biến là 1900-2300mm.
Trong các tháng mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, có một số ngày có mưa, lượng mưa chiếm ít hơn 20% lượng mưa cả năm. Các tháng mùa mưa có số ngày có mưa phổ biến trên 20 ngày (tháng 6, 7, 8, 9) và có trên 15 ngày (tháng 5, tháng 10).
c) Phân vùng khí hậu
Khí hậu huyện Đăk Tô là khí hậu Tây Trường Sơn, do khu vực phía Đông Bắc có địa hình núi tương đối cao nên chế độ nhiệt ẩm của 02 khu vực nói trên có khác biệt chút ít. Căn cứ vào các chỉ tiêu nhiệt ẩm, có thể phân huyện Đăk Tô thành 02 tiểu vùng khí hậu, đó là:
Tiểu vùng 1 là khu vực trung tâm và phía Tây Nam huyện, bao gồm các thung lũng, đồi núi thấp, độ cao dưới 800m, bao gồm các xã Kon Đào, Tân Cảnh, Pô Kô, Diên Bình, Ngọc Tụ, Đăk Rơ Nga và thị trấn Đăk Tô chiếm xấp xỉ 2/3 diện tích của huyện.
Tại tiểu vùng này, điều kiện nhiệt tương đối dồi dào, tổng tích ôn năm từ 8100-83000C. Nhiệt độ trung bình tháng lạnh nhất (tháng 12; 1) đạt trên 180C. Nhiệt độ trung bình tháng cao nhất (tháng 4) đạt trên 240C.
Lượng mưa năm tương đối thấp, phổ biến từ 1900-2000mm, có xu hướng tăng về hướng Đông Bắc. Mùa mưa bắt đầu từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 và kết thúc vào cuối tháng 10. Tháng có lượng mưa và số ngày mưa cao là tháng 7, 8. Thời gian hạn giữa mùa mưa thường xảy ra vào cuối tháng 6, đầu tháng 7. Độ ẩm trung bình năm phổ biến từ 81-82%, đủ ẩm về mùa mưa, thiếu ẩm về mùa khô. Tổng số giờ nắng tương đối cao, phổ biến đạt từ 2100-2200 giờ/năm.
Tiểu vùng 2 là khu vực Đông bắc huyện - khu vực thung lũng hẹp, núi cao có độ cao trên 800m thuộc khu Đông Bắc huyện, bao gồm các xã Văn Lem, Đăk Trăm, chiếm xấp xỉ 1/3 diện tích của huyện Đăk Tô.
Tiểu vùng này có điều kiện nhiệt tương đối hạn chế, tổng tích ôn năm 7500-80000C. Nhiệt độ trung bình tháng lạnh nhất (tháng 12; 1) dưới 180C. Nhiệt độ trung bình tháng cao nhất (tháng 4) dưới 240C. Lượng mưa năm tương đối cao, phổ biến từ 2000-2.200mm và có xu hướng tăng về hướng Đông Bắc. Mùa mưa bắt đầu từ đầu tháng 5 và kết thúc vào đầu tháng 11. Tháng có lượng mưa và số ngày mưa cao nhất là tháng 8, 9. Độ ẩm trung bình cao phổ biến 82-83%, dư ẩm về mùa mưa, thiếu ẩm về mùa khô. Tổng số giờ nắng tương đối thấp, phổ biến đạt từ 1800-2000 giờ/năm.
d) Mùa sinh trưởng của cây trồng
Căn cứ vào điều kiện nhiệt ẩm của 02 vùng khí hậu nói trên thì tiểu vùng 1 phù hợp với cây có nguồn gốc nhiệt đới như cao su, cà phê, … Tiểu vùng 2 phù hợp với cây có nguồn gốc á nhiệt đới.
Điều kiện sinh trưởng của cây trồng phụ thuộc vào điều kiện nhiệt ẩm. Với điều kiện nhiệt thì cơ bản trong các thời kỳ cây trồng đều phát triển được, do vậy mùa sinh trưởng của cây trồng tại huyện Đăk Tô phụ thuộc vào chế độ mưa.
Tại tiểu vùng 1: Mùa mưa bắt đầu từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 và kết thúc vào cuối tháng 10 hàng năm. Trong mùa mưa, vào thời gian cuối tháng 6 và đầu tháng 7 thường có một thời kỳ ít mưa, thường kéo dài 8-10 ngày. Do vậy, mùa sinh trưởng của cây trồng tại khu vực này bắt đầu từ thời gian đầu tháng 05 và kết thúc vào thời gian cuối tháng 10. Thời vụ gieo trồng nên bắt đầu từ ngày 01-05/5 hàng năm.
Tại tiểu vùng 2: Mùa mưa bắt đầu tư tháng 5 và kết thúc vào giữa tháng 11 hàng năm. Trong mùa mưa vào thời gian tháng 7 thường có một thời kỳ ít mưa, thường kéo dài từ 7-10 ngày. Do vậy, mùa sinh trưởng của cây trồng tại khu vực này bắt đầu tư giữa tháng 5 và kết thúc vào giữa tháng 11. Thời vụ gieo trồng nên bắt đầu từ ngày 05-10/5 hàng năm.
3. Tài nguyên đất
a) Đặc điểm thổ nhưỡng
Căn cứ vào một số kết quả điều tra nghiên cứu về phân loại lập bản đồ đất tỉnh Kon Tum theo phân loại định lượng FAO-UNESCO, trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam/Bỉ (1997-2002);
Căn cứ vào kết quả điều tra bổ sung, nghiên cứu các phẫu diện đất điển hình trên địa bàn huyện Đăk Tô (từ tháng 9/2005 đến tháng 3/2006) của Viện Môi trường và Phát triển bền vững. Kết quả phân loại đất huyện Đăk Tô cho thấy toàn huyện có 3 nhóm đất chính: Nhóm đất phù sa, nhóm đất xám và nhóm đất đỏ vàng, gồm 11 loại đất.
- Nhóm đất phù sa (P): diện tích 1.317 ha, chiếm 2,6% tổng diện tích đất toàn huyện. Đây là nhóm đất được hình thành do sản phẩm bồi tụ của sông suối lớn như sông Pô Kô, bao gồm 1 loại: đất phù sa giàu mùn, gley (Phu-g), phân bố ở tất cả các xã trong huyện. Đất có hàm lượng cạc bon hữu cơ cao trong tầng đất mặt 50 cm, và bị gley nhẹ ở tầng đất sâu do ảnh hưởng của nước ngầm. Toàn bộ diện tích đất có tầng dày trên 100cm, có độ dốc <80 . Đất phù hợp cho canh tác lúa nước hoặc nhiều loại cây hoa màu.
- Nhóm đất xám (X): diện tích 17.616 ha, chiếm 34,9% tổng diện tích đất toàn huyện, phân bố ở tất cả các xã, bao gồm 7 loại đất:
+ Đất xám cơ giới nhẹ, đỏ càng (X.c.cr): Diện tích 309 ha, chiếm 0,6% tổng diện tích đất toàn huyện. Đất được hình thành trên đá macma axit, phân bố ở xã Pô Kô và Văn Lem. Toàn bộ diện tích đất có tầng dày trên 100cm, độ dốc 8-150. Tầng mặt 0-50cm có thành phần cơ giới cát pha, tầng đất có màu đỏ vàng, độ no bazơ thấp, dung tích cation trao đổi thấp. Đất phù hợp cho các loại cây hoa màu, cây ăn quả.
+ Đất xám rất chua (X.cn.h): Diện tích 417 ha, chiếm 0,8% tổng diện tích đất toàn huyện. Đất được hình thành trên đá macma axit, Tầng đất dày trên 100cm, độ dốc <150. Dung tích cation trao đổi thấp, độ no bazơ rất thấp. Loại đất này phù hợp cho nhiều loại cây hoa màu, cây ăn quả.
+ Đất xám rất chua, sỏi sạn nông (X.cn.sk1): Diện tích 53 ha; phân bố ở xã Ngọc Tụ. Đất được hình thành trên đá macma axit. Dung tích cation trao đổi thấp, độ no bazơ rất thấp, ở độ sâu 0-50cm từ mặt đất có tầng sỏi sạn tỷ lệ 40-90%. Toàn bộ diện tích đất có tầng dày đất mịn <30cm, phân bố ở độ dốc 8-200. Loại đất này phù hợp cho nhiều loại cây hoa màu.
+ Đất xám rất chua, sỏi sạn sâu (X.cn.sk2): Diện tích 111 ha; chiếm 0,2% diện tích đất toàn huyện, phân bố ở xã Ngọc Tụ. Đất được hình thành trên đá granitt. Dung tích cation trao đổi thấp, độ no bazơ rất thấp, ở độ sâu 50-100cm từ mặt đất có tầng sỏi sạn tỷ lệ 40-90%. Toàn bộ dện tích đất có tầng dày đất mịn >50cm, phân bố ở độ dốc 8-200. Loại đất này phù hợp cho nhiều loại cây hoa màu.
+ Đất xám giàu mùn, tích nhôm (X.hu.nh): Diện tích 11.319 ha; chiếm 22,4% diện tích đất toàn huyện, phân bố ở tất cả các xã trong huyện, hình thành trên đá biến chất (10.210 ha) và đá macma axit (1109 ha). Dung tích cation trao đổi thấp, độ no bazơ rất thấp, hàm lượng mùn trong tầng mặt 0-50cm cao, trong tầng đất độ bão hoà nhôm >50%. Toàn bộ diện tích đất có tầng dày đất mịn trên 100cm, nhưng phân bố ở độ dốc >250. Loại đất này nên sử dụng cho mục đích lâm nghiệp.
+ Đất xám tầng mặt giàu mùn, rất chua (X.um.cn): Diện tích 3.973 ha; chiếm 7,9% diện tích đất toàn huyện, phân bố ở các xã Diện Bình (172ha), Pô Kô (461 ha), Tân Cảnh (2.607 ha) và thị trấn Đăk Tô (733 ha). Đất được hình thành chủ yếu trên phù sa cổ (3300 ha). Tầng mặt màu sẫm, dày trên 20cm, giàu mùn. Dung tích cation trao đổi thấp, độ no bazơ rất thấp. Dung tích hấp thu thấp. Hầu hết diện tích loại đất này có tầng dày trên 100cm, phân bố ở độ dốc <150. Loại đất này phù hợp cho nhiều loại cây hoa màu, cây ăn quả, chè.
+ Đất xám tầng mặt, giàu mùn (X.um.h): Diện tích 1.435 ha, chiếm 2,8% diện tích đất toàn huyện, phân bố ở xã Diện Bình (1051ha), Pô Kô (384 ha). Đất được hình thành trên phù sa cổ. Tầng mặt màu sẫm, dày trên 20cm, giàu mùn, độ no bazơ thấp. Dung tích hấp thu thấp. Hầu hết diện tích loại đất này có tầng dày trên 100cm, phân bố ở độ dốc <150. Loại đất này phù hợp cho nhiều loại cây hoa màu, cây ăn quả, chè.
- Nhóm đất đỏ vàng: Diện tích 31.485 ha, chiếm 62,4% diện tích đất toàn huyện. Đất đỏ vàng phân bố ở vùng đồi núi và các bậc thềm phù sa cổ; phân bố ở hầu hết các xã trong huyện. Nhóm này có các loại đất sau:
+ Đất đỏ vàng trên đá macma axit: Diện tích 9.936 ha, chiếm 19,7%. Đất đỏ vàng trên đá macma axit có ở tất cả các xã trong huyện. Nhìn chung đất có chất lượng rất kém. Đất có thành phần cơ giới nhẹ, phần nhiều là cát và thạch anh, rất nghèo mùn, đạm, lân, kali. Tầng đất hữu hiệu mỏng và rất mỏng, phần lớn diện tích đất có tầng dày dưới 50cm. Đất có thành phần cơ giới cát pha đến thịt nhẹ. Tỷ lệ sét tăng theo chiều sâu phẫu diện. Kết cấu viên, cục nhỏ. Tỷ lệ chất hữu cơ trong đất từ thấp đến trung bình.
+ Đất đỏ vàng trên phù sa cổ: Diện tích 4.842 ha, chiếm 9,6%. Đất hình thành trên mẫu chất phù sa cổ, nghèo kiềm và thường có thành phần cơ giới nhẹ tới trung bình, phân bố trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm nên khoáng sét đã bị biến đổi đáng kể. Quá trình rửa trôi sét và các cation kiềm thổ xảy ra mạnh mẽ, trong đất hình thành tầng tích tụ sét, có dung lượng trao đổi cation thấp và có bão hoà bazơ thấp.
+ Đất đỏ vàng trên đá sét và biến chất: Có diện tích lớn nhất trong các loại đất: 16.707 ha, chiếm 33,1%. Phân bố ở tất cả các xã trong huyện, tập trung nhiều ở xã Tân Cảnh, Kon Đào. Nhìn chung đất có thành phần cơ giới từ trung bình đến nặng, tỷ lệ sét cao trên 25%, cấu tượng tảng cục sắc cạnh, chặt, có biểu hiện gia tăng sét theo độ sâu chủ yếu, tỷ lệ sét ở tầng B so với tầng A đạt khoảng 1,5-2 lần. Đất thường chua, cation kiềm trao đổi và độ no bazơ thấp, hàm lượng mùn, đạm trung bình, nghèo lân và nghèo kali.
Nhận xét chung về tài nguyên đất: Toàn huyện có 3 nhóm đất chính, trong đó nhóm đất đỏ vàng có diện tích lớn nhất (31.485 ha, chiếm 62,4%); tiếp đến là nhóm đất xám (17.616 ha, chiếm 34,9%) và cuối cùng là nhóm đất phù sa (1.317 ha, chiếm 2,6%). Đất có tầng dày >70-100cm toàn huyện chiếm 86,8%. Độ dốc phù hợp với điều kiện sản xuất nông nhiệp <15% chiếm 27% diện tích tự nhiên.
b) Hiện trạng sử dụng đất
Tổng diện tích tự nhiên của huyện Đăk Tô năm 2015 là 50.870,31 ha, trong đó đất nông nghiệp khá lớn, đất sản xuất nông nghiệp 29.121,78 ha, chiếm 57,25% tổng diện tích tự nhiên, đất lâm nghiệp 15.622,02 ha, chiếm 30,71% tổng diện tích tự nhiên.
Trong 29.121,78 ha đất sản xuất nông nghiệp thì đất trồng cây lâu năm (cao su, cà phê) là chủ yếu, chiếm 15,07% tổng diện tích cây lâu năm toàn tỉnh.
Đất lâm nghiệp giảm so với năm 2005 và năm 2010, nguyên nhân do chuyển đổi đất rừng nghèo sang trồng cao su, người dân xâm canh sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi mục đích sang đất phi nông nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Hướng khai thác tiềm năng đất đai trong giai đoạn quy hoạch là phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng nhanh giá trị sản lượng trên một đơn vị diện tích; Đẩy mạnh công tác trồng rừng nhằm khai thác, mở rộng diện tích đất lâm nghiệp.
4. Tài nguyên nước và thủy năng
a) Tài nguyên nước
- Tài nguyên nước mặt: Lượng mưa bình quân từ 1.900 - 2.300 mm/năm nên nguồn nước mặt rất lớn. Nhưng 80% lượng mưa tập trung vào các tháng mùa mưa và hệ thống sông suối Đăk Tô nhỏ, hẹp, có nhiều thác gềnh, sườn dốc đứng nên khả năng giữ nước hạn chế.
Tài nguyên nước sông ngòi: Huyện Đăk Tô có 3 con sông chính: sông Đăk Tờ Kan, sông Đăk Pô Kô, sông Đăk Psi thuộc lưu vực sông Sê San. Ngoài ra còn một số nhánh suối nhỏ.
Hệ thống sông Đăk Tờ Kan có chiều dài 47km, diện tích lưu vực 312km2. Sông bắt nguồn từ dãy núi Ngọk Pang (Tu Mơ Rông), chảy theo hướng Bắc-Nam qua địa bàn các xã Văn Lem, Ngọc Tụ, Kon Đào và thị trấn Đăk Tô, nhập vào sông Đăk Pô Kô tại giáp ranh thị trấn với 02 xã Pô Kô và Tân Cảnh.
Hệ thống sông Đăk Pô Kô: Có diện tích lưu vực 2.430km2. Sông Pô Kô bắt nguồn từ dãy núi Đăk Drugok (Quảng Nam), chảy theo hướng Bắc-Nam qua địa bàn các huyện Đăkglei, Ngọc Hồi và vào địa bàn huyện qua các xã Ngọc Tụ, Tân Cảnh, Pô Kô.
Hệ thống sông Đăk Psi: Hạ lưu sông Đăk Psi có chiều dài 81km, diện tích lưu vực 824km2, chảy qua xã Diên Bình của huyện Đắk Tô.
Nhìn chung, Đăk Tô có hệ thống suối lớn và cũng là hợp lưu của các con sông lớn này có khả năng bồi đắp phù sa rất cao.
- Tài nguyên nước ngầm: Mưa là nguồn cung cấp nước chính cho các nguồn nước ngầm ở tỉnh Kon Tum nói chung, huyện Đăk Tô nói riêng. Theo đánh giá và nghiên cứu cân bằng nước thì có khoảng 12,5-18% lượng nước mưa thấm xuống đất, trong đó có khoảng 8,5-9% bổ sung cho các tầng nước ngầm dưới đất.
Hướng khai thác tài nguyên nước: Đẩy mạnh khai thác tài nguyên nước mặt thông qua việc xây dựng các công trình, cụm công trình thủy lợi Đăkrơnga - Đăkrơngát. Khai thác mặt nước hồ các thủy điện: Pleikrông, Đăk Rơ Sa, Đăk Rơ Sa2 và Kon Đào.
b) Thuỷ năng
Đăk Tô không có nhiều tiềm năng về thủy điện, do các sông, suối qua địa bàn huyện có độ dốc nhỏ. Tổng tiềm năng kinh tế - kỹ thuật trên các sông, suối của huyện khoảng 25-30 MW.
5. Tài nguyên rừng
Theo công bố hiện trạng rừng tỉnh Kon Tum năm 2015 (tại Quyết định số 637/QĐ-UBND ngày 14/6/2016 của UBND tỉnh), huyện Đăk Tô đất có rừng là 18.691,24 ha, chiếm 36,91% tổng diện tích tự nhiên, trong đó rừng tự nhiên là 11.825,82 ha, rừng trồng 6.865,42 ha (trong đó thông, keo 3.351,02 ha, cao su 3.344,73 ha, cây đặc sản 179,67 ha). Rừng tự nhiên chủ yếu là lá rộng thường xanh, tre nứa và lá kim.
Quá trình diễn thế rừng Đăk Tô thay đổi theo xu thế giảm rừng giàu, rừng trung bình và tăng diện tích rừng non, rừng nghèo. Nguyên nhân là do phát rừng làm rẫy, lấy gỗ làm chất đốt ...
Với tài nguyên rừng như trên, nhiệm vụ cần thiết là phải thay đổi xu thế này bằng việc khai thác rừng hợp lý, đẩy mạnh tu bổ, cải tạo rừng và trồng rừng, kết hợp các biện pháp hỗ trợ khác như bảo vệ rừng, ưu tiên các dự án cải thiện điều kiện sản xuất, nâng cao đời sống dân cư ở các khu vực gần rừng.
- Những khó khăn, thách thức trong quá trình khai thác tiềm năng về tài nguyên rừng và phát triển vốn rừng trong giai đoạn quy hoạch:
Hiện nay, Chính phủ đang có chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, trong lúc rừng trồng sản xuất với diện tích và trữ lượng chưa nhiều.
Dân trí đồng bào dân tộc thiểu số chưa cao, vẫn còn xảy ra tình trạng du canh, đốt nương làm rẫy.
Do đặc điểm khí hậu của Kon Tum nên nguy cơ cháy rừng trên diện rộng về mùa khô là rất cao.
Do nguồn vốn hạn chế nên khả năng phát triển vốn rừng (từ việc trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ rừng, …) gặp nhiều khó khăn.
- Khả năng khai thác, phát triển rừng trong giai đoạn quy hoạch là nghiêm cấm khai thác rừng tự nhiên, cho nên việc trồng rừng phải theo hướng hợp lý, khoa học, bền vững kết hợp tăng cường quản lý, bảo vệ rừng và phát triển vốn rừng.
6. Tài nguyên khoáng sản
Theo tài liệu địa chất khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói chung, địa bàn huyện Đắk Tô nói riêng tiềm năng khoáng sản chủ yếu là vật liệu xây dựng thông thường (đá, cát, sỏi, sét). Ngoài ra còn có một số loại khoáng sản khác như: vàng, nước khoáng nóng.
Một số loại khoáng sản chủ yếu trên địa bàn huyện:
- Khoáng sản vàng: Vàng gốc phân bố ở xã Pô Kô và khu vực thôn Đăk Ri Pen, xã Tân Cảnh có trữ lượng lớn cần thăm dò để đưa vào khai thác; Vàng sa khoáng phân bố ở các suối Đăk Tơ Kan, sông Pô Kô và một số suối nhỏ khác trong huyện.
- Khoáng sản đá: Đá Granit ở xã Diên Bình, Kon Đào, Ngọc Tụ,… có chất lượng tốt, có khả năng khai thác để sản xuất đá ốp lát, đá xây dựng, đá dăm rải đường độn bê tông; đá vôi có điểm quặng ở thị trấn Đăk Tô.
- Đất Sét: Phân bố ở xã Diên Bình, thị trấn Đăk Tô, trữ lượng khoảng 2,3 triệu m3, hiện đang khai thác, sản xuất gạch ngói thủ công.
- Suối nước nóng chảy qua mỏ lưu huỳnh ở Kon Đào, Ngọc Tụ.
Tình hình khai thác khoáng sản:
- Vàng gốc: Điểm mỏ Đăk Ri Pen trước đây giao cho Công ty TNHH Đăk Ri Pen khai thác với quy mô nhỏ, hiện nay điểm mỏ này đã ngừng hoạt động.
- Đá xây dựng: Điểm mỏ tại Ngọc Tụ, công suất 90.000m3/năm giao Công ty xây dựng và sản xuất VLXD thuộc Tổng Công ty xây dựng số 1 khai thác. Các điểm mỏ VLXD khác, khai thác chủ yếu phục vụ nhu cầu xây dựng tại chỗ; xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn…
- Cát sỏi xây dựng: Đăk Tô có nhiều sông, suối nên nguồn cát sỏi ở đây khá phong phú, đang được các đơn vị kinh tế, các tổ hợp tác, các hộ cá thể khai thác.
Ngoài những khoáng sản trên, vàng sa khoáng ở sông Pô Kô, Đăk Tơ Kan,… đã có một số cơ sở nhỏ và tư nhân khai thác nhưng sản lượng thấp.
Trong giai đoạn tới, cần đẩy mạnh việc thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ cho nhu cầu xây dựng tại địa phương.
7. Tài nguyên du lịch
a) Tiềm năng và thực trạng khai thác tài nguyên du lịch
Huyện Đăk Tô có tiềm năng về du lịch, gồm du lịch sinh thái và du lịch nhân văn. Trên địa bàn hiện có trên 15 điểm du lịch, như Di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt, sân bay Phượng Hoàng, chứng tích nhà thờ KonHing (Diên Bình), các làng văn hoá truyền thống dân tộc Xê Đăng (nhánh Xơ Teng) với những lễ hội truyền thống có nét đặc trưng riêng; ngoài ra, có nhiều phong cảnh đẹp hoang sơ, huyền bí như thác Đăk Lung cách thị trấn Đăk Tô 6 km về phía bắc, gần đó là suối nước nóng Kon Đào, thác Đăk Chờ (Ngọc Tụ) và sân bay Phượng Hoàng.
Những tiềm năng du lịch này có khả năng hình thành các tour, cung, tuyến du lịch sinh thái, du lịch tìm hiểu chiến trường xưa, du lịch nhân văn. Ngoài ra, Đăk Tô còn có thể là một điểm dừng chân của tuyến du lịch lữ hành từ đông bắc Thái Lan - Nam Lào - Kon Tum - Duyên Hải miền Trung - Đông Nam bộ qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y.
b) Dự báo khả năng khai thác tài nguyên du lịch
Khẩn trương quy hoạch và thu hút đầu tư khu du lịch tại khu suối nước khoáng Kon Đào - Thác Đăk Lung, rừng thông sinh thái thị trấn Đăk Tô, đồng thời xây dựng hoàn chỉnh Di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh,…để đón đầu khai thác tuyến du lịch lữ hành từ Đông Bắc Thái Lan - Nam Lào - Kon Tum - Duyên hải Miền Trung - Đông Nam bộ qua cặp cửa khẩu quốc tế Bờ Y-Giang Giơn; khai thác các tuyến du lịch nội tỉnh, gồm tuyến Đăk Hà - Đăk Tô - Tu Mơ Rông, tuyến Kon Tum - Đăk Hà - Đăk Tô - Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, tuyến Kon Tum - Đăk Hà - Đăk Tô - Đăk Glei - Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, tuyến Kon Tum - Đăk Hà - Đăk Tô - Sa Thầy - Vườn quốc gia Chư Mom Rây.