Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (24/4/1972 – 24/4/2025), nhưng dấu ấn của trận đánh hào hùng ấy vẫn in đậm trên mảnh đất Tây Nguyên kiên trung. Không chỉ là một chiến công vang dội, góp phần làm thay đổi cục diện chiến tranh, nơi đây còn trở thành một di sản quý báu, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ mai sau. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích này, đặc biệt là bảo vật quốc gia xe tăng T59 số hiệu 377, đang được chính quyền và Nhân dân huyện Đăk Tô chú trọng thực hiện, biến nơi đây thành một điểm đến lịch sử sống động.
Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh - Dấu son chói lọi trong lịch sử kháng chiến
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một hành trình dài đầy gian lao nhưng cũng rực rỡ chiến công của dân tộc Việt Nam. Trong đó, Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (24/4/1972) là một trong những chiến công vang dội trên chiến trường Tây Nguyên, góp phần làm thay đổi cục diện chiến tranh, tạo tiền đề cho Đại thắng Mùa Xuân 1975.
Đăk Tô - Tân Cảnh nằm ở phía Bắc tỉnh Kon Tum, là điểm huyết mạch quan trọng trên tuyến hành lang chiến lược Tây Nguyên. Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã xây dựng nơi đây thành cụm cứ điểm kiên cố với hệ thống phòng thủ dày đặc, biến nơi này thành “lá chắn thép” nhằm kiểm soát khu vực Tây Nguyên và tuyến đường Hồ Chí Minh. Nhận thức được tầm quan trọng chiến lược của khu vực này, Quân đội nhân dân Việt Nam đã mở Chiến dịch Đăk Tô - Tân Cảnh vào tháng 4/1972, với mục tiêu tiêu diệt cụm cứ điểm phòng ngự kiên cố của địch, giải phóng một vùng rộng lớn, tạo bàn đạp chiến lược cho các chiến dịch sau này.
Chiến dịch Đăk Tô - Tân Cảnh diễn ra ác liệt từ ngày 23 đến 24/4/1972. Quân ta sử dụng chiến thuật đánh hợp đồng binh chủng, với sự tham gia của bộ binh, pháo binh và đặc biệt là lực lượng thiết giáp. Trong đó, xe tăng T59 số hiệu 377 đã trực tiếp tham gia phá tan hệ thống phòng thủ của địch, tiến công vào trung tâm chỉ huy căn cứ. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị và tinh thần chiến đấu kiên cường, quân ta đã đánh tan hệ thống phòng thủ của địch, giải phóng hoàn toàn Đăk Tô - Tân Cảnh. Đây là chiến thắng quan trọng, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của Mỹ - ngụy tại Tây Nguyên, tạo bước ngoặt quan trọng trên chiến trường miền Nam.

Quân ta đánh chiếm sân bay Phượng Hoàng 4.1972 và hình ảnh cờ giải phóng tung bay trên căn cứ địa của địch tại Đăk Tô-Tân Cảnh
Nhớ lại trận đánh năm xưa, ông Lại Hợp Phường (khối phố 3, thị trấn Đăk Tô) chia sẻ: “Chiến dịch diễn ra vô cùng ác liệt, địch có hỏa lực rất mạnh và hệ thống phòng ngự kiên cố. Nhưng với ý chí quyết thắng, tinh thần chiến đấu quả cảm, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị bộ binh, xe tăng và pháo binh, chúng ta đã từng bước tiến công, phá vỡ các cứ điểm của địch”. Ký ức của những cựu chiến binh như ông Phường không chỉ là những câu chuyện lịch sử, mà còn là những bài học quý báu về lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu anh dũng của thế hệ cha ông.
Cựu Chiến binh kể chuyện truyền thống về chiến công của kíp lái xe tăng T59 số hiệu 377 trong trận đánh Đăk Tô – Tân Cảnh cho đội viên
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt
Nhằm tri ân những chiến sĩ đã hy sinh và giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau, ngày 22/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2499/QĐ-Tg xếp hạng khu di tích Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh là Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2016; ngày 18/01/2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 93/QĐ-TTg bổ sung Di tích lịch sử Điểm cao 1015 và Điểm cao 1049, huyện Sa Thầy và huyện Đăk Tô vào Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh. Hiện nay, khu di tích này không chỉ là một địa chỉ đỏ trong giáo dục lịch sử, mà còn là điểm đến thu hút đông đảo du khách tìm hiểu về chiến công hào hùng của quân dân ta.
Khu di tích bao gồm nhiều hạng mục quan trọng như: Căn cứ E42, sân bay L19, sân bay Phượng Hoàng, khu nhà bia và Nhà trưng bày, khu Nghĩa trang liệt sĩ. Đặc biệt tại khu vực tượng đài Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh nơi trưng bày Bảo vật quốc gia - xe tăng T59 số hiệu 377, chiếc xe tăng với kỳ tích 1 chọi 10. Đây không chỉ là một hiện vật lịch sử quý giá mà còn là biểu tượng của tinh thần chiến đấu kiên cường. Nhận thức được giá trị của bảo vật này, UBND huyện Đăk Tô đã ban hành Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 10/4/2024 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của xe tăng 377 với nhiều hoạt động như: tổ chức trưng bày, triển lãm về bảo vật quốc gia tại khu di tích và các sự kiện lớn của huyện, tỉnh; Xây dựng các chương trình tuyên truyền qua hệ thống pa nô, áp phích, đài phát thanh và truyền hình; Tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật về xe tăng 377, gắn với triển lãm về lịch sử - văn hóa Tây Nguyên. Lồng ghép vào chương trình giáo dục lịch sử tại các trường học, tổ chức các buổi tham quan, học tập tại khu di tích. Theo ông Nguyễn Văn Hùng – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, trong năm học 2024 - 2025, các trường học đã thành lập 29 đoàn với 3.894 lượt học sinh tham quan di tích, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc. Ngoài ra, các ngành, đoàn thể huyện đã tổ chức 14 đợt “Hành trình về địa chỉ đỏ” với hơn 700 lượt đoàn viên, đội viên tham gia; bên cạnh đó, huyện cũng đã đón nhiều đoàn du khách trong nước, quốc tế đến thăm quan.

Học sinh các trường học tham quan khu vực Nhà trưng bày chứng tích Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh
Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô, ông Sa Phương khẳng định: “Chúng tôi xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích và bảo vật quốc gia. Huyện đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng để triển khai các hoạt động trùng tu, bảo vệ di tích, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để di sản này thực sự trở thành niềm tự hào của thế hệ hôm nay và mai sau”
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng chiến công lẫy lừng của Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh vẫn còn vang vọng. Những nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di tích không chỉ giúp tôn vinh lịch sử mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh kiên cường của cha ông. Việc tiếp tục đầu tư, quảng bá khu di tích và bảo vật quốc gia xe tăng 377 sẽ giúp di sản này thực sự sống động, trở thành một điểm nhấn trong hành trình tìm hiểu lịch sử và tự hào dân tộc của mỗi người dân Việt Nam./.