banner
Thứ 7, ngày 20 tháng 4 năm 2024
Bảng đơn giá các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2020
30-10-2021

Ngày 19/12/2019, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định số 24/2019/QĐ-UBND về việc ban hành Bảng đơn giá các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2020
 

Bảng đơn giá các loại cây trồng ban hành kèm theo Quyết định của UBND tỉnh áp dụng cho tất cả các đối tượng được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và mục đích phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Ngoài ra, còn được áp dụng để quản lý các loại hoạt động mua bán, kinh doanh các loại cây trồng và các loại phí, lệ phí có liên quan đến cây trồng theo quy định của pháp luật (Xem và tải Bảng đơn giá tại đây).

Quyết định của UBND tỉnh cũng quy định 08 nguyên tắc và phương pháp áp dụng mức giá bồi thường như sau:

 

1. Đơn giá các loại cây trồng ghi trong bảng giá là đơn giá chuẩn, áp dụng để bồi thường cho các loại cây trồng được đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, có mức độ sinh trưởng và phát triển trung bình. Khi tính giá trị bồi thường căn cứ vào mức đầu tư chăm sóc hoặc trồng trên các nền thổ nhưỡng và mức độ sinh trưởng và phát triển của cây trồng để đánh giá xếp loại theo hệ số phát triển cây trồng như sau:

- Mức độ phát triển tốt: hệ số 1,2

- Mức độ phát triển trung bình: hệ số 1,0

- Mức độ phát triển xấu: hệ số 0,8

Đối với các loại cây ăn quả thuộc loại giống mới, giống ghép chất lượng cao chưa có trong danh mục bảng giá, thì mức giá bồi thường được tính bằng 1,2 lần mức giá bồi thường của cây trồng cùng loại (không phải giống mới, giống ghép) có trong danh mục bảng giá.

2. Đối với trường hợp vườn cây trồng không đạt mật độ chuẩn thì giá trị bồi thường được xác định bằng đơn giá bồi thường cây trồng nhân (x) với số lượng cây thực tế khi kiểm đếm.

3. Đối với các loại cây trồng có nhiều loại mật độ tùy theo trình độ thâm canh, giá trị bồi thường được xác định bằng đơn giá cây trồng nhân (x) với số lượng cây trồng thực tế nhưng không vượt quá mật độ tối đa cho phép theo quy trình kỹ thuật của loại cây trồng đó.

Trường hợp cây trồng vượt quá mật độ chuẩn, mật độ tối đa (cây trồng vẫn sinh trưởng phát triển bình thường) thì áp dụng hệ số để áp giá bồi thường đối với số lượng cây trồng vượt mật độ như sau:

- Giá trị bồi thường các cây trồng vượt quá 01 lần đến 1,2 lần mật độ chuẩn, mật độ tối đa bằng đơn giá cây trồng nhân (x) với số lượng cây trồng vượt mật độ nhân (x) hệ số 0,9;

- Giá trị bồi thường các cây trồng vượt quá 1,2 lần đến 1,5 lần mật độ chuẩn, mật độ tối đa bằng đơn giá cây trồng nhân (x) với số lượng cây trồng vượt mật độ nhân (x) hệ số 0,8.

- Giá trị bồi thường các cây trồng vượt quá 1,5 lần đến 2 lần mật độ chuẩn, mật độ tối đa bằng đơn giá cây trồng nhân (x) với số lượng cây trồng vượt mật độ nhân (x) hệ số 0,6.

- Giá trị bồi thường các cây trồng vượt quá 2 lần mật độ chuẩn, mật độ tối đa bằng đơn giá cây trồng nhân (x) với số lượng cây trồng vượt mật độ nhân (x) hệ số 0,5.

4. Đối với cây trồng chưa thu hoạch, nhưng có thể di chuyển đến địa điểm khác thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại thực tế do phải di chuyển và trồng lại.

5. Đối với trường hợp trên một đơn vị diện tích gieo trồng nhiều loại cây có chu kỳ sinh trưởng, sản xuất kinh doanh khác nhau: Khi kiểm tra hiện trạng cần xác định rõ cây trồng chính, cây trồng xen, mật độ thực tế của từng loại cây trồng để có sự đánh giá chuẩn xác về chất lượng của cây trồng chính, cây trồng xen. Tổng chi phí bồi thường trên một đơn vị diện tích có trồng xen nhiều loại cây khác nhau bằng (=) chi phí bồi thường của từng loại cây trồng cộng lại (trên cơ sở số lượng, chất lượng và đơn giá của từng loại cây theo đo đếm, kiểm tra hiện trạng thực tế), nhưng tối đa không vượt quá 1,5 lần giá trị bồi thường tính theo cây trồng chính khi trồng chuyên canh trên diện tích đó.

6. Đối với những loại cây trồng chưa có trong danh mục bảng giá, khi xây dựng phương án, Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng các cấp vận dụng đơn giá của các loại cây trồng tương đương đã có trong bảng giá để tính toán.

7. Đối với một số loại cây trồng theo Tiêu chuẩn ngành cho phép tái sinh chồi sau khai thác (như cây bời lời): thực hiện kiểm kê số lượng cây tái sinh theo thực tế nhưng không quá 3 chồi tái sinh/gốc. Nếu trường hợp vượt quá 03 chồi tái sinh trên/gốc áp dụng hệ số để áp giá bồi thường như sau:

- Từ 4-6 chồi/gốc: Giá trị bồi thường các chồi vượt bằng đơn giá cây trồng nhân (x) với số lượng chồi vượt mật độ nhân (x) hệ số 0,8.

- Từ 7 chồi trở lên: Giá trị bồi thường các chồi vượt bằng đơn giá cây trồng nhân (x) với số lượng chồi vượt mật độ nhân (x) hệ số 0,6.

8. Đối với những cây lấy gỗ, cây lâu năm khác (không phải cây ăn trái) như cây trắc, huỳnh đàn đỏ, Bò ma, Trâm, Sao, Hương, Tếch, Thông,… đến thời kỳ khai thác chỉ bồi thường, hỗ trợ một phần chi phí do khai thác sớm và hỗ trợ nhân công trong quá trình khai thác.

 

Trường hợp không có loại cây trồng tương đương, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường khảo sát thực tế về chu kỳ sản xuất, năng suất, sản lượng và giá trung bình tại thời điểm thu hồi đất, để xác định mức giá bồi thường phù hợp và đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính xem xét có ý kiến trước khi thực hiện./.

BAN BIÊN TẬP TRANG TTĐT HUYỆN


Số lượt xem:1281

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
 
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐĂK TÔ - TỈNH KON TUM
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Sa Phương - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện
Địa chỉ: Số 22 đường Trần Hưng Đạo, khối 3 thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3831.209, Fax: 0260.3831.209; Email: ubnddakto-kontum@chinhphu.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

792810 Tổng số người truy cập: 110 Số người online:
TNC Phát triển: