Trung thực trong khai báo y tế – trách nhiệm và quyền lợi của mỗi người dân
10-11-2021
Trung thực trong khai báo y tế – trách nhiệm và quyền lợi của mỗi người dân
CT

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Kon Tum số lượng người về từ vùng dịch dương tính với SARS-CoV-2 rất nhiều; các trường hợp cách ly tại nhà hoặc tự theo dõi sức khỏe tại nhà thường không tuân thủ nghiêm được các quy định, nguy cơ lây nhiễm thứ phát cho cộng đồng rất cao, đã có nhiều ca nhiễm thứ phát do người cách ly hoặc tự theo dõi sức khỏe tại nhà làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng, nhất là đối với nhóm đối tượng dễ tổn thương như trẻ em chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19 và rất nhiều đối tượng chưa đủ vắc xin để tiêm trên địa bàn tỉnh.

Vì vậy mỗi người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch 5K+vắc xin. Đặc biệt, nếu trong diện được tiêm vắc xin phòng bệnh, cần khẩn trương thực hiện tiêm phòng ngay, không lựa chọn vắc xin, góp phần hạn chế sự lây lan và nguy cơ bệnh nặng nếu mắc Covid-19. Bên cạnh đó, người dân cũng cần trung thực trong khai báo y tế nhằm giúp lực lượng Y tế và cơ quan chức năng phát hiện người có nguy cơ tiếp xúc với các ca nhiễm bệnh ở các địa phương từ vùng dịch trở về, từ đó có những biện pháp chủ động ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập vào địa bàn. Nếu phát hiện người từ vùng dịch về, người dân cần thông tin ngay cho chính quyền địa phương để thực hiện các quy định phòng chống dịch. Việc làm này có ý nghĩa quan trọng giúp cơ sở y tế nắm bắt thông tin, đưa ra những phương án kiểm soát, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Khai báo y tế trung thực vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi của mỗi người, bởi khai báo y tế sẽ giúp cho người nhiễm hoặc có nguy cơ nhiễm Covid-19 được xét nghiệm kịp thời và điều trị sớm, ngăn chặn dịch bệnh lây lan sang người thân, gia đình và cộng đồng.

Việc không tự giác khai báo y tế hoặc khai báo y tế không trung thực sẽ làm mất thời gian, gây khó khăn cho ngành Y tế và lực lượng chức năng trong quá trình truy vết, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Theo quy định, hành vi không khai báo hoặc khai báo y tế gian dối là vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xử lý hành chính: Áp dụng Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, thì người có hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A, cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm nhóm A, sẽ bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng. Ngoài ra, việc không khai báo hoặc khai báo không trung thực diễn biến bệnh với với thầy thuốc, nhân viên y tế cũng sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 1 Điều 10 Nghị định 117 với mức phạt tiền từ 01 – 03 triệu đồng.

Truy cứu trách nhiệm hình sự: Người không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối khiến lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015.

Mức phạt của người không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối là phạt tiền từ 50 – 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 01 – 05 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tù từ 05 – 10 năm nếu dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc làm chết 01 người.

Trường hợp dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 02 người trở lên, người phạm tội thậm chí còn có thể bị áp dụng mức phạt tù từ 10 – 12 năm.

Hình phạt bổ sung của Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người là phạt tiền từ 20 – 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 – 05 năm.

Do vậy, mỗi công dân sống không chỉ cho mình mà còn sống vì cộng đồng và xã hội. Hãy tuân thủ các quy định về phòng chống dịch, khai báo y tế trung thực, thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 để chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

 

Ngọc Lan- Công an huyện  
Số lượt xem:1010