Lịch sử 12 kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam - Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ I của Đảng (tháng 3-1935) |
28-1-2021 |
Đảng Cộng sản Việt Nam là người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua 12 kỳ đại hội đại biểu toàn quốc. Mỗi kỳ đại hội là một mốc son chói lọi phản ánh sự trưởng thành của Đảng và cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những thắng lợi vĩ đại mà Nhân dân ta đã giành được trong hơn bảy thập kỷ qua đều bắt nguồn sâu xa từ việc Đảng ta nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, vạch ra đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế thời đại. |
CT |
Đảng Cộng sản Việt Nam là người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua 12 kỳ đại hội đại biểu toàn quốc. Mỗi kỳ đại hội là một mốc son chói lọi phản ánh sự trưởng thành của Đảng và cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những thắng lợi vĩ đại mà Nhân dân ta đã giành được trong hơn bảy thập kỷ qua đều bắt nguồn sâu xa từ việc Đảng ta nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, vạch ra đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế thời đại.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ I của Đảng (tháng 3-1935)
Sau khi Xô Viết Nghệ - Tĩnh bị thất bại, thực dân Pháp càng ráo riết khủng bố, đàn áp hòng dập tắt phong trào cách mạng và tiêu diệt Đảng Cộng sản Đông Dương. Hàng ngàn chiến sĩ cộng sản bị giết, bị tù đày, giam giữ. Riêng ở Bắc Kỳ trong hai năm 1930 - 1931, chính quyền thực dân Pháp và tay sai đã mở 21 phiên tòa đại hình xử 1.094 án, trong đó có 64 án tử hình, 114 án khổ sai, 420 án lưu đày biệt xứ. Tháng 5-1933, tòa án ở Sài Gòn đã mở phiên tòa kết án 8 án tử hình, 19 án tù chung thân, ngót 100 án tù từ 5 năm đến 20 năm. Trong các nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), Khám Lớn (Sài Gòn), Côn Đảo, Sơn La, Lao Bảo, Kon Tum giam chật các chiến sĩ cộng sản. Chỉ riêng nhà tù Côn Đảo năm 1930 có 1.992 người tù, năm 1931 có 2.146 người, năm 1932 có 2.276 người, năm 1933 có 2.483 người, năm 1934 có 2.818 người. Biết bao chiến sĩ cộng sản đã ngã xuống bởi chế độ nhà tù hà khắc và bọn cai ngục gian ác. Từ năm 1930 đến năm 1933, ở Côn Đảo đã có 708 chiến sĩ cộng sản hy sinh. Ở nhà tù Sơn La trong vòng tám tháng năm 1933 đã có 43 tù nhân bị giết hại. Dù bị mọi cực hình tra tấn hay lúc cổ kề máy chém, các chiến sĩ cộng sản vẫn kiên trung, bất khuất, nêu cao khí tiết của người cộng sản, kiên quyết bảo vệ Đảng, giữ vững ý chí chiến đấu. Biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, các chiến sĩ cộng sản đã lợi dụng những ngày tháng ở tù để học tập lý luận, rèn đúc ý chí đấu tranh. Hồ Chí Minh đã nói: "Biến cái rủi thành cái may, các đồng chí ta đã lợi dụng những ngày tháng ở tù để hội họp và học tập lý luận. Một lần nữa, việc đó lại chứng tỏ rằng chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù chẳng những không ngăn trở được bước tiến của cách mạng, mà trái lại nó đã trở nên một thứ lửa thử vàng, nó rèn luyện cho người cách mạng càng thêm cứng rắn. Mà kết quả là cách mạng đã thắng, đế quốc đã thua". Các đảng viên thoát khỏi sự vây bắt của địch, kiên trì dựa vào sự che chở, đùm bọc của quần chúng cách mạng, bí mật hoạt động khôi phục lại hệ thống tổ chức của Đảng, củng cố và phát triển phong trào quần chúng.
Quốc tế Cộng sản và các Đảng Cộng sản Trung Quốc, Liên Xô, Pháp, Thái Lan... đã tích cực giúp đỡ những người cộng sản ở Đông Dương. Năm 1932, theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, Lê Hồng Phong cùng một số đảng viên còn lại ở trong nước và ngoài nước tổ chức ra Ban lãnh đạo Trung ương của Đảng. Tháng 6-1932, bản Chương trình hành động của Đảng và các chương trình hành động của các tổ chức quần chúng được công bố.
Chương trình hành động của Đảng đánh giá hai năm đấu tranh của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng và khẳng định: con đường giải phóng duy nhất của nhân dân Đông Dương chỉ là con đường võ trang tranh đấu của quần chúng thôi. Để lãnh đạo quần chúng đấu tranh thích hợp với những điều kiện lịch sử mới, Chương trình hành động của Đảng nêu ra các yêu cầu trước mắt: (1) Đòi các quyền tự do tổ chức, xuất bản, ngôn luận, hội họp, đi lại. (2) Bỏ những luật hình đặc biệt đối với người bản xứ, trả lại tự do cho tù chính trị, bỏ ngay chính sách đàn áp, giải tán hội đồng đề hình (3) Bỏ thuế thân và các thứ thuế vô lý khác (4) Bỏ độc quyền về muối, rượu, thuốc phiện. Dựa theo Chương trình hành động của Đảng, các tổ chức cơ sở đảng đã sử dụng các hình thức tổ chức thích hợp để tập hợp quần chúng và qua đó giáo dục, tổ chức quần chúng đấu tranh dưới các hình thức khác nhau. Một điều đặc sắc là đa số các cuộc đấu tranh của quần chúng do Đảng lãnh đạo đều giành được thắng lợi hoàn toàn hoặc từng phần, khiến cho quần chúng thêm hăng hái đấu tranh. Về mặt tổ chức đảng, các đảng viên của Đảng đã bám sát dân, duy trì cơ sở đảng ở Hà Nội, Sơn Tây, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Cao Bằng, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi và nhiều nơi khác ở Nam Bộ. Nhiều tỉnh ủy, thành ủy lần lượt được khôi phục. Các xứ ủy Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ cũng được lập lại. Xứ ủy Lào cũng được thành lập vào tháng 3-1934... Tháng 3-1934, Ban Chỉ huy ở ngoài (còn gọi là Ban Lãnh đạo hải ngoại) của Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập, gồm có Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập và Nguyễn Văn Dựt, do Lê Hồng Phong là Thư ký, làm chức năng của một Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng. Ban này có nhiệm vụ tập hợp các cơ sở đảng mới xây dựng lại ở trong nước thành hệ thống, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, chuẩn bị triệu tập Đại hội Đảng. Trên cơ sở thắng lợi của cuộc đấu tranh để phục hồi tổ chức quần chúng và hệ thống tổ chức của Đảng trên toàn Đông Dương, Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng đã triệu tập Đại hội Đảng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp ở phố Quan Công - Ma Cao (Trung Quốc) từ ngày 27 đến ngày 31-3-1935. Dự Đại hội có 13 đại biểu thuộc các đảng bộ trong nước và tổ chức của Đảng hoạt động ở ngoài nước, trong đó có hai đại biểu của Đảng bộ Bắc Kỳ, hai đại biểu của Đảng bộ Trung Kỳ, ba đại biểu của Đảng bộ Nam Đông Dương, một đại biểu Đảng bộ Lào, ba đại biểu cho các đảng viên hoạt động ở Thái Lan, hai đại biểu của Ban Chỉ huy ở ngoài. Trong thời gian này, sau khi thoát khỏi nhà tù của đế quốc Anh ở Hương Cảng, Nguyễn Ái Quốc đã sang Liên Xô và vào học Trường Quốc tế Lênin - trường dành cho cán bộ lãnh đạo các đảng cộng sản và công nhân châu Âu và Bắc Mỹ. Lê Hồng Phong - Trưởng Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng cùng với Nguyễn Thị Minh Khai và Hoàng Văn Nọn đi Mátxcơva dự Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản. Đại hội nhận định hệ thống tổ chức của Đảng đã được khôi phục. Đó là một thắng lợi to lớn của Đảng. Các cuộc đấu tranh của quần chúng do Đảng lãnh đạo trong khoảng vài năm qua đều giành được thắng lợi ở mức độ khác nhau, khiến cho quần chúng công nông thêm hăng hái đấu tranh. Song, hệ thống tổ chức của Đảng chưa thật thống nhất, sự liên lạc giữa các cấp bộ chưa thật thông suốt, tổ chức cơ sở của Đảng chưa được phát triển mạnh ở các vùng công nghiệp... Đại hội đã nêu ra ba nhiệm vụ chủ yếu trong thời gian trước mắt của toàn Đảng: (1) Củng cố và phát triển Đảng, tăng cường phát triển lực lượng Đảng vào các xí nghiệp, đồn điền, hầm mỏ, đường giao thông quan trọng, biến mỗi xí nghiệp thành một cơ sở vững chắc của Đảng; đồng thời, phải đưa nông dân lao động và trí thức cách mạng đã trải qua thử thách vào Đảng. Phải chăm lo tăng cường các đảng viên ưu tú xuất thân từ công nhân vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng. Để bảo đảm sự thống nhất về tư tưởng và hành động, các đảng bộ cần tăng cường phê bình và tự phê bình, đấu tranh trên cả hai mặt chống "tả" khuynh và hữu khuynh, giữ vững kỷ luật của Đảng. (2) Đẩy mạnh cuộc vận động thu phục quần chúng. "Đảng mạnh là căn cứ vào ảnh hưởng và thế lực của Đảng trong quần chúng... muốn đưa cao trào cách mạng mới lên tới trình độ cao, tới toàn quốc vũ trang bạo động, đánh đổ đế quốc phong kiến, lập nên chính quyền Xôviết, thì trước hết cần phải thâu phục quảng đại quần chúng. Thâu phục quảng đại quần chúng là một nhiệm vụ trung tâm, căn bản, cần kíp của Đảng hiện thời". (3) Mở rộng tuyên truyền chống đế quốc, chống chiến tranh, ủng hộ Liên Xô, thành trì của cách mạng thế giới và ủng hộ cách mạng Trung Quốc... Đại hội đã thông qua Nghị quyết chính trị của Đảng, các nghị quyết về vận động công nhân, vận động nông dân, vận động thanh niên, phụ nữ, binh lính, về mặt trận phản đế, về đội tự vệ, về các dân tộc thiểu số... và Điều lệ của Đảng, điều lệ của các tổ chức quần chúng của Đảng. Điều lệ mới của Đảng do Đại hội thông qua bao gồm các vấn đề: tên Đảng, tôn chỉ của Đảng, đảng viên, tổ chức đảng, dân chủ và kỷ luật của Đảng, tài chính, đảng đoàn, thanh niên cộng sản đoàn. Đại hội đã quyết định bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng, gồm 13 ủy viên (song chỉ có 12 người, còn một ủy viên khác là chấp ủy viên địa phương Trung Kỳ sẽ chỉ định sau). Ban Thường vụ gồm 5 người, Lê Hồng Phong là Tổng Bí thư. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cử Nguyễn Ái Quốc làm đại diện của Đảng Cộng sản Đông Dương bên cạnh Quốc tế Cộng sản. Mặc dù Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương, song Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng vẫn được duy trì do Hà Huy Tập là Thư ký tiếp tục hoạt động và kịp thời thay thế khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng bị địch đánh phá không thể tiếp tục chỉ đạo phong trào quần chúng trong nước. Còn tiếp... |
BAN BIÊN TẬP TRANG TTĐT HUYỆN |
Số lượt xem:1706 |