Hiệu quả mô hình “Phân loại rác thải tại Hộ gia đình”
22-8-2023
Thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt luôn là vấn đề cấp thiết trong việc bảo đảm vệ sinh môi trường. Trong khi nhiều đơn vị, địa phương đang lúng túng, gặp khó khăn trong việc phân loại rác thải sinh hoạt thì Hội LHPN xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô đã triển khai mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nhà và đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần tích cực cùng Cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện lộ trình xây dựng xã NTM nâng cao trên địa bàn.
Hiệu quả mô hình “Phân loại rác thải tại Hộ gia đình”
CT
Để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ về bảo vệ môi trường, nhằm hình thành thói quen trong thu gom, phân loại rác thải tại hộ gia đình, giảm thiểu ô nhiễm, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Đến nay, Hội đã thành lập 2 mô hình tại thôn 1 và thôn 3, xã Tân Cảnh với 23 thành viên tham gia. Chị Nguyễn Thị Xoan – Chủ tịch Hội LHPN xã Tân cảnh, huyện Đăk Tô cho biết: Năm 2021 thì Hội LHPN xã có thành lập mô hình phân loại rác tại nguồn tại thôn 1, đối với mô hình này thì hội cũng hướng dẫn cho chị em là phân loại thành 4 loại rác theo quy định. Sau một thời gian hội cũng đã thành lập mô hình phân loại rác tại nguồn tại thôn 3, trên cơ sở định hướng, hướng dẫn chị em phân loại rác giống như thôn 1, đồng thời hướng dẫn chị em sử dụng rác hữu cơ để ủ rác thành phân. Qua hoạt động của các mô hình tại 2 thôn giúp cho chị em đạt tiêu chí của cuộc vận động “5 không 3 sạch” đồng thời cũng tận dụng được nguồn phân hữu cơ để đem bón cho cây trồng, làm cho môi trường xanh, sạch đẹp hơn”.
Trước đây toàn bộ rác thải đều được cô Nguyễn Thị Thiết - thôn 1 xã Tân Cảnh gom chung lại với nhau. Thế nhưng, từ cuối năm 2021 trở lại đây lúc nào gia đình cô cũng có 4 thùng để đựng từng loại rác riêng biệt. Được hội phụ nữ xã hướng dẫn, cô cùng các thành viên trong gia đình thực hiện rất cụ thể như đối với rác là túi nilon thì để vào sọt túi nilon để tổ thu gom rác thu gom đem về bãi rác tập trung để xử lý, những chai, lọ nhựa, vỏ lon bia, nước ngọt thì để riêng có thể bán lấy tiền, còn những rác như vỏ cam, vỏ chuối thì bỏ vào sọt đựng rác hữu cơ để xử lý tại nhà. Cô Nguyễn Thị Thiết – Hội viên phụ nữ xã Tân Cảnh cho biết: “Từ lúc tham gia mô hình này, cô thấy trong khuôn viên nhà, cửa cũng như là ngoài vườn rất là sạch sẽ, thoáng mát. Trong các chị em cũng đến hỏi thăm và học hỏi, cũng xin tham gia vào mô hình này”.
Cô Thiết thôn 1 xã Tân Cảnh đang phân loại rác thải tại gia đình
Với khu vườn rộng 30 m2 và gần 2 ha cà phê, gia đình chị Nguyễn Thị Nga - thôn 3 xã Tân Cảnh thấy rõ hiệu quả của mô hình phân loại, xử lý rác thải. Bằng cách tái chế rác thành phân vi sinh, các loại rau, củ, cây ăn quả của gia đình phát triển tốt, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm…
 
Để ủ rác hữu cơ thành phân, chị Nga đã dùng 01 dụng cụ ủ rác có thể tích 50ml, 01 lít men vi sinh và 01 lít mật đường để ủ rác hữu cơ. Quy trình ủ đơn giản, tận dụng rác hữu cơ sau khi phân loại, thêm nước, mật đường và men vi sinh theo tỷ lệ: 300ml men vi sinh pha với 10 lít nước, tất cả được cho vào thùng có nắp đậy nhằm hạn chế mùi hoặc ruồi muỗi vào đẻ trứng. Sau 02 ngày ủ, nước phân thu được có thể pha loãng với nước để tưới cho rau, cây ăn quả, cây cà phê…. Cách làm này làm giảm lượng rác thải phát sinh ra môi trường, đồng thời giảm chi phí vận chuyển, xử lý. Chị Nguyễn Thị Nga - Hội viên phụ nữ xã Tân Cảnh chia sẻ: “Được hội LHPN xã hướng dẫn về làm ủ rác thành phân, lấy men và ủ thành phân đạm K, phân đạm đậu nành và phân hoa quả để đưa đi tưới vườn cây cà phê, cây ăn trái, rau màu. Một năm ủ được 600 lít, giảm chi phí khoảng 1/3 so với phân hóa học”.
Mô hình ủ rác thải hữu cơ thành phân vi sinh
Sự sáng tạo, tâm huyết của hội phụ nữ, sự đồng hành, vào cuộc của chính quyền địa phương đã góp phần giúp người dân nâng cao ý thức, duy trì phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, hình thành lối sống “xanh”, mang lại nhiều lợi ích trong cuộc sống và bảo vệ môi trường./
Thanh Huyền & Xuân Lâm - Trung tâm VHTTDL&TT huyện  
Số lượt xem:2843