Mua vé máy bay giá rẻ trên mạng: Cẩn thận tiền mất, tật mang
30-5-2023
Khoảng thời gian mùa hè đang là cao điểm du lịch, do đó nhu cầu đặt vé máy bay hành khách ngày càng tăng cao. Không ít người dân vì ham rẻ đã phải ăn “trái đắng” khi mua vé qua mạng trực tuyến. Thậm chí, có trường hợp sau khi ra sân bay mới tá hỏa vì vé không có giá trị.
Mua vé máy bay giá rẻ trên mạng: Cẩn thận tiền mất, tật mang
CT
Nhiều chiêu trò để lừa gạt
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, những kẻ xấu thường nhằm vào những người muốn mua vé máy bay giá rẻ và lợi dụng chính sách bán vé của từng hãng để lừa đảo vào những dịp hè giữa năm hoặc những dịp tết, lễ. Đã có không ít trường hợp khách hàng bị mát tiền do mua vé máy bay giá rẻ tại các website lừa đảo hoặc những tài khoản mạng xã hội “giả mạo” nhân viên các phòng vé trên cả nước.
Theo đó, phương thức lừa đảo chiếm đoạt tiền mua vé máy bay phổ biến nhất là các đối tượng lừa đảo lập các trang thông tin, tài khoản mạng xã hội giả làm đại lý bán vé máy bay hoặc xây dựng các trang web có hình thức giống với các hãng hàng không uy tín để bán vé máy bay.
Nắm bắt tâm lý chung của khách hàng, các trang này đưa ra những quảng cáo bán vé máy bay hoặc combo vé khứ hồi với mức giá thấp hơn giá trên cổng bán vé trực tiếp của các hãng để thu hút người có nhu cầu vào tìm mua.
Khi có người “mắc bẫy" và chủ động liên hệ hỏi thông tin, để tạo niềm tin ở phía “con mồi”, các đối tượng lừa đảo này sẽ đặt chỗ trên trang bán vé chính thức của các hãng hàng không, gửi lại email mã đặt chỗ kèm với khuyến cáo phải thanh toán tiền gấp nếu không sẽ bị hủy. Người mua hoàn toàn có thể kiểm tra mã trên các trang web của hãng để xác nhận là thật.
Sau khi khiến khách hàng tin tưởng, các đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng chuyển tiền thanh toán (mức giá thấp hơn giá trên web của hãng). Tuy nhiên, khi đã chuyển tiền thanh toán xong, khách hàng sẽ không được xuất vé và bị ngắt liên lạc. Còn mã đặt chỗ kia sẽ bị tự hủy sau một thời gian do chưa được xuất ra vé máy bay và nhiều khách hàng chỉ biết được việc này khi đến sân bay.
Ngoài phương thức nêu trên, nhiều đối tượng lừa đảo sau khi nhận được tiền của khách vẫn tiến hành xuất vé nhưng sau đó lại hoàn vé. Với cách này, chúng sẽ được hoàn lại phần lớn tiền vé đã trả và chỉ phải chịu mất một khoản phí hoàn vé nhỏ (chịu mất phí 10% giá vé). Khi khách nhận vé, gọi điện lên hãng để kiểm tra thì được báo đã xuất vé đúng hành trình. Nhưng sau đó ít ngày, chúng sẽ gửi yêu cầu tới hãng hàng không để xin hoàn vé. Việc hoàn vé sẽ được chấp thuận ngay nếu như người yêu cầu hoàn vé chính là người đặt vé. Như vậy mỗi tấm vé kẻ lừa đảo có thể bán đi bán lại cho hàng chục người.
Bên cạnh đó, việc lừa đảo mua vé sớm thường vào mùa du lịch thì mua vào tháng 1 - 2 với chiêu thức của các đối tượng lừa tiền mua vé thường là tạo lòng tin bằng các giấy tờ đầy đủ, để giá thấp hơn từ 100.000 - 200.000 đồng/vé cho chặng bay dài hoặc các chương trình khuyến mại với quảng cáo chỉ cần đặt cọc 1 khoản nhỏ để được cung cấp vé rồi sau khi đi mới thanh toán tiền… làm người mua tin tưởng, đặt vé và chuyển tiền vé, tiền cọc. Tuy nhiên, sau đó, các đối tượng chiếm đoạt, không xuất vé hoặc xuất vé giả…
Lưu ý quan trọng để không bị mắc bẫy lừa đảo mua vé máy bay qua mạng
Để tránh mắc bẫy lừa đảo của các đối tượng xấu, khi có nhu cầu mua vé máy bay, khách người dân lưu ý:
- Nên trực tiếp đặt vé qua website chính của hãng hàng không hoặc gọi trực tiếp lên tổng đài nếu không thành thạo việc đặt vé qua mạng. Đặc biệt, không nên giao dịch qua bên trung gian thứ ba hay các đại lý khi không rõ về chất lượng, độ uy tín.
- Trước khi chuyển tiền cho bên bán, cần đọc kỹ thông tin mã vé và kiểm tra có hiệu lực, đồng thời yêu cầu nhân viên của hãng soát lại thông tin hành trình bay, hành khách bay.
- Đặc biệt, khi mua vé người dân cần lấy phiếu thu, hóa đơn và các chứng từ kèm theo. Phiếu thu này được xem như một chứng từ, nên nếu xảy ra trục trặc, khách hàng có thể dùng giấy tờ này để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Lưu ý: Mã vé của các hãng hàng không hiện nay:
  • Vietnam Airlines gồm 6 chữ cái
  • Vietjet Air là dãy gồm 8 số
  • Jetstar gồm 6 ký tự có cả số và chữ/ hoặc chỉ toàn chữ như của Vietnam Airlines.
- Người dân nên xem xét kỹ hệ thống website của công ty bán vé, thông tin và thiết kế có chuyên nghiệp, rõ ràng hay không; có số điện thoại tổng đài không vì các hãng sẽ không sử dụng số điện thoại di động cá nhân để liên hệ với khách hàng.
- Đối với các trường hợp mua vé trên website cần đặc biệt lưu ý truy cập đúng địa chỉ chính thức của hãng hoặc liên hệ trực tiếp với tổng đài 19001100 nếu cần được giải đáp, hỗ trợ trực tiếp liên quan đến đặt chỗ, mua vé.
Lưu ý: Cần nắm rõ địa chỉ website chính thức của các hãng hàng không nội địa là:
  • Vietnam Airlines: vietnamairlines.com
  • Vietjet Air: vietjetair.com
  • Jetstar Pacific: jetstar.com
  • Bamboo Airways: bambooairways.com
Những website có tên miền khác so với những website trên khả năng cao đều được lập ra với mục đích lừa đảo. Do đó người dân cần cảnh giác với các lời chào mời mua vé lẻ trên mạng. Nếu nhận được những lời chào hàng về vé máy bay quá rẻ so với thông tin của hãng thì đừng vội đặt vé mà kiểm tra lại vì có thể đó chiêu trò của các đối tượng xấu. 
Một website giả mạo với thương hiệu "Vietnam Airlines" thừa chữ "s" vẫn đang hoạt động
Đối với khách hàng mua vé điện tử qua thẻ tín dụng, các đối tượng phạm tội thường lợi dụng sự chủ quan của khách hàng để ăn cắp thông tin thẻ. Do đó, khách hàng cần bảo mật về các thông tin cá nhân và thẻ tín dụng của mình. 
Công an huyện khuyến cáo người dân thận trọng khi tham gia các hoạt động mua bán vé máy bay trên không gian mạng nhằm tránh rơi vào chiêu trò của các đối tượng lừa đảo. Khi phát hiện các trường hợp nghi vấn, đề nghị báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc liên hệ qua fanpage An Ninh Mạng Và Phòng Chống Tội Phạm Công Nghệ Cao Tỉnh Kon Tum (https://www.facebook.com/anninhmangkontum) để được hướng dẫn, giải đáp, xử lý kịp thời.
Nguồn: Công an huyện  
Số lượt xem:356