Kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng tỉnh Kon Tum (16/3/1975-16/3/2023) |
15-3-2023 |
“Ngày 17-3-2006, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum ra Thông báo số 59-TB/TU, thống nhất chọn ngày 16-3-1975, thời điểm lực lượng ta tấn công, đánh chiếm và làm chủ thị xã để làm ngày kỷ niệm Ngày giải phóng tỉnh Kon Tum”. |
CT |
Trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, nhân dân tỉnh Kon Tum đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm, đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến thắng lợi.
Với tinh thần đó, quân và dân Kon Tum dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh đã thể hiện ý chí kiên cường, tinh thần bền bỉ trong suốt cuộc đấu tranh chống Mỹ-ngụy, làm nên những thắng lợi vẻ vang trên miền đất cực Bắc Tây Nguyên, mà đỉnh cao là cuộc tiến công nổi dậy giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum năm 1975. Đến đầu năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta đã bước sang hồi kết. Những thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” đã làm thay đổi cục diện chiến trường ngày càng có lợi cho ta Với Kế hoạch giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 – 1976 của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương và Kế hoạch thực hiện Chiến dịch Tây Nguyên của Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum được giao nhiệm vụ cùng tỉnh Gia Lai thực hiện “nghi binh chiến” – thu hút sự quan tâm, phán đoán của kẻ thù hướng vào chiến trường Bắc Tây Nguyên, đồng thời Tỉnh uỷ Kon Tum cũng chủ trương giải phóng thị xã và toàn tỉnh khi thời cơ đến. Thực hiện nhiệm vụ đó, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Kon Tum với nổ lực cao nhất, với tinh thần “một ngày bằng 20 năm”, ra sức chuẩn bị mọi mặt phối hợp cùng lực lượng trên địa bàn, vừa tiếp tục tấn công địch để giữ thế chiến lược, vừa tích cực góp sức cùng mặt trận Tây Nguyên giành lấy thắng lợi quyết định, chuẩn bị tư thế sẵn sàng đón thời cơ, giải phóng hoàn toàn quê hương. Cùng với các tỉnh trong khu vực, Kon Tum đã thành lập Ban Chỉ đạo tác chiến để phối hợp với bộ đội chủ lực; đồng thời, các đoàn, các đội công tác đều được chấn chỉnh, tập huấn về chính trị, quân sự. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Tỉnh đội đã huy động dân công ở các vùng căn cứ, vùng giải phóng tích cực làm đường hướng vào thị xã và phao tin “ta chuẩn bị tấn công vào thị xã Kon Tum và Plei Ku” nhằm làm cho địch sở hở ở Buôn Ma Thuột – hướng tấn công trọng điểm của Chiến dịch. Mặt khác, các lực lượng vũ trang địa phương trong tỉnh đã phối hợp với các đơn vị chủ lực thường xuyên tập kích vào một số đồn địch, thu hút hoàn toàn sự chú ý của chúng lên hướng Bắc Tây Nguyên. Đến tháng 3-1975, địch nhận định và tin chắc rằng ta sẽ mở cuộc tấn công vào hướng Bắc Tây Nguyên từ Kon Tum xuống Gia Lai, nên đã tập trung lực lượng đối phó về hướng này. Trung tuần tháng 02-1975, trong khi Sư đoàn 10 và 320A của Mặt trận Tây Nguyên bí mật di chuyển vào Nam Tây Nguyên, thì ở Kon Tum ta vẫn phát đi nhiều bức điện, báo cáo giả, làm cho địch tin rằng lực lượng này của ta vẫn nằm im vị trí cũ. Ở Kon Tum, ta vẫn giữ thế bao vây và ép sát thị xã, liên tục tổ chức các trận tập kích vào các trận địa căn cứ vòng ngoài. Từ đó, địch đinh ninh chắc chắn ta sẽ tấn công vào thị xã Kon Tum và Plei Ku. Song song với nhiệm vụ đánh nghi binh, hỗ trợ cho Chiến dịch Tây Nguyên, Tỉnh ủy giao trọng trách cho Tỉnh đội đảm nhận tấn công các mục tiêu chính, đồng thời chỉ đạo cho tất cả các lực lượng của tỉnh chuẩn bị tư thế để tiếp quản thị xã. Lực lượng của ta ở Kon Tum hình thành một thế trận định sẵn tấn công giải phóng thị xã theo nhiều hướng. Hướng chính từ phía Đông Nam thị xã đánh vào các mục tiêu trung tâm ở nội thị. Đây là hướng quan trọng hàng đầu nên toàn bộ lực lượng chính của ta tập trung cho cánh này, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Ban Chỉ huy Tỉnh đội. Hướng Bắc và Tây Bắc thị xã, Đại đội đặc công 14 và Đại đội 2 Công an vũ trang cùng một bộ phận của tỉnh ở Đăk Tô tăng cường đảm nhận. Hướng Tây và Tây Nam thị xã gồm một bộ phận của tỉnh, Đại đội 187, chủ lực và một số cán bộ huyện Sa Thầy đảm trách. Đi kèm với các cánh quân luôn có các đội vũ trang công tác làm nhiệm vụ dẫn đường và phát động quần chúng nổi dậy. Từ trong căn cứ, tất cả các ban của tỉnh đều chuẩn bị sẵn một lực lượng tiền phương làm công tác tiếp quản khi thị xã được giải phóng. Như vậy, cùng lúc với quá trình chuẩn bị cho Chiến dịch Tây Nguyên mở ra ở Buôn Ma Thuột, tại tỉnh Kon Tum, mục tiêu giải phóng thị xã đã được vạch sẵn. Từ đầu tháng 3-1975, khi tiếng súng tấn công địch rộ lên khắp Mặt trận Tây Nguyên, đến ngày 16-3-1975, quân và dân tỉnh Kon Tum đã phối hợp chặt chẽ với quân chủ lực đóng trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều cuộc tấn công địch trên khắp địa bàn tỉnh, đặc biệt là khu nội thị và tuyến đường quốc lộ 14 (đoạn đèo Sao Mai) – tuyến đường địch rút quân về đồng bằng. Đêm ngày 16-3-1975, tất cả các lực lượng vũ trang và chính trị trong tỉnh, cùng với các mũi đột kích của chủ lực đột nhập chiếm lĩnh và làm chủ các khu vực quân sự và chính trị trọng yếu, tiêu diệt tất cả các ổ đề kháng cuối cùng của địch, nhanh chóng chiếm toàn bộ thị xã Kon Tum. Cờ giải phóng tung bay trên khắp bầu trời thị xã. Cuộc tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân và dân tỉnh Kon Tum có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đã đập tan sào huyệt cuối cùng của Mỹ-ngụy ở Kon Tum, giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum, đem lại hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân các dân tộc tỉnh nhà. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng toàn tỉnh Kon Tum mùa Xuân năm 1975 thể hiện tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; sự lãnh đạo, chỉ đạo nhạy bén, linh hoạt của Đảng bộ ở chiến trường: biết chớp thời cơ và thúc đẩy tình hình theo hướng chỉ đạo của cấp trên, làm chuyển biến nhanh chóng, giành thắng lợi giòn giã trên phạm vi toàn tỉnh; đồng thời còn làm tốt công tác nghi binh, thu hút địch ở chiến trường thứ yếu, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho chiến trường chính Buôn Ma Thuột tấn công địch giành thắng lợi quyết định trong chiến dịch giải phóng Tây Nguyên. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân tỉnh Kon Tum góp phần cùng với cả nước làm nên chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, tô đậm thêm trang sử vàng của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Mùa Xuân năm 1975 là mùa Xuân lịch sử, khép lại những chiến công hiển hách cũng như những bài học kinh nghiệm quý báu của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum trong suốt chặng đường đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Nó đã trở thành hành trang vô giá Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà bước tiếp trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với ý nghĩa lịch sử to lớn đó, ngày 17-3-2006, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum ra Thông báo số 59-TB/TU, thống nhất chọn ngày 16-3-1975, thời điểm lực lượng ta tấn công, đánh chiếm và làm chủ thị xã để làm ngày kỷ niệm Ngày giải phóng tỉnh Kon Tum./. |
THANH HUYỀN - Trung tâm VHTTDL&TT huyện |
Số lượt xem:1698 |